Chính sách BHYT tại Việt Nam: "Điểm sáng" trên chặng đường 30 năm

An Chi 17/11/2022 13:28

Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) đã có nhiều phân tích, đánh giá về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, nhất là chính sách BHYT.

>>>Ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) đã có nhiều phân tích, đánh giá về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, nhất là chính sách BHYT. Trao đổi với phóng viên, ông Jean Jacquet Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCharm cho biết ông rất ấn tượng về thành tựu phát triển chính sách BHYT của Việt Nam trong 30 năm qua.

Ông Jean Jacquet Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu EuroCham tại Việt Nam

Ông Jean Jacquet Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu EuroCham tại Việt Nam

- Chính sách BHYT tại Việt Nam được thực hiện qua 30 năm, từ năm 1992 cho đến nay. Nhìn vào quá trình này, ông có bình luận như thế nào về những kết quả đạt được?

Chính sách BHYT lần đầu được thực hiện tại Việt Nam năm 1992. Sau đó, năm 2008, Quốc hội ban hành Luật BHYT với các quy định chi tiết đầy đủ hơn về BHYT. Đến năm 2014, chính sách BHYT được sửa đổi và ban hành theo Luật số 46/2014 QH13, trong đó đã mở rộng phạm vi quyền lợi và đối tượng tham gia, bảo đảm khả năng tiếp cận cho các nhóm đối tượng yếu thế và hộ nghèo.

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi gần đây có nhiều điểm tích cực. Trong đó, quy định bổ sung việc khám sàng lọc và chẩn đoán bệnh sớm vào danh sách các khoản được quỹ BHYT chi trả. Đây là một quan điểm rất tiến bộ, bởi việc lên kế hoạch chi trả cho dự phòng, sàng lọc sớm (vốn có chi phí rẻ và hiệu quả cao hơn, nhất là trong những trường hợp bệnh nặng) sẽ giúp giảm gánh nặng rất nhiều cho cả người bệnh, quỹ BHYT và xã hội. Bên cạnh đó, khoảng 91% dân số Việt Nam có BHYT, với bình quân khoảng 184,5 triệu lượt KCB/năm là thành tích rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển BHYT theo xu thế công nghệ, chuyển từ việc lưu hành thẻ BHYT giấy dần sang sử dụng thẻ BHYT điện tử, bắt kịp với công nghệ số hóa.

Tuy nhiên, theo tôi Việt Nam cần tập trung hơn vào những giải pháp đổi mới, bền vững, tập trung cải cách tài chính y tế theo hướng tiếp cận dựa trên giá trị và huy động thêm nguồn tài chính bổ sung cho quỹ BHYT, chẳng hạn như các mô hình BHYT bổ sung, tự chi trả, đồng chi trả và hợp tác công tư.

Khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM

Khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM

- So với các quốc gia khác trong nhóm đang phát triển hoặc các quốc gia có điều kiện kinh tế- xã hội tương đương, ông đánh giá thế nào về những kết quả trên?

Kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT là nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ; BHXH Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan. Với vị trí 66/89 quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới, chúng tôi cho rằng, mô hình BHYT toàn dân của Việt Nam cơ bản là phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị của các bạn. Bởi lẽ, hơn 80% cơ sở y tế tại Việt Nam là y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách BHXH và các nguồn viện trợ. Bên cạnh đó, cơ chế BHYT cũng làm giảm sự bất bình đẳng khi có mức phân hóa cao giữa thu nhập của người dân, thành thị và nông thôn.

Khoảng 91% dân số Việt Nam có BHYT với bình quân khoảng 184.5 triệu lượt KCB/năm là thành tích rất đáng ghi nhận" - Ông ông Jean Jacquet Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCharm tại Việt Nam

Để so sánh, hãy nhìn qua Thái Lan. Đây là một trong những quốc gia thành công trong việc bao phủ hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân với mức độ bao phủ lên đến 98% dân số. Thái Lan đang có mô hình phát triển hệ thống y tế tương tự Việt Nam. Từ đây, có thể thấy mức bao phủ BHYT hiện nay của Việt Nam và việc hướng đến 95% năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Trên thực tế, phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận, đang mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một điểm cần được các cơ quan quản lý quan tâm và cải thiện trong thời gian tới chính là việc người bệnh tiếp cận các loại thuốc phát minh mới. Chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây chỉ có một số lượng hạn chế các thuốc phát minh đã được các cơ quan có thẩm quyền của EU/Hoa Kỳ phê duyệt có mặt tại Việt Nam so với các nước ASEAN, vì quy trình xem xét và cập nhật danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT còn phức tạp, chậm trễ.

>>>BHXH Việt Nam: Gỡ vướng thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT

- Từ góc nhìn của mình, theo ông, việc đạt tỷ lệ bao phủ BHYT cao sẽ gặp phải những thách thức gì?

Mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) bao gồm 3 khía cạnh: bảo vệ tài chính, bao phủ dân số công bằng và gói quyền lợi bảo hiểm đủ rộng và có ý nghĩa.

Việt Nam đã đạt được thành tích lớn với tỷ lệ bao phủ 91% dân số với gói dịch vụ đa dạng và phí bảo hiểm thấp. Tuy nhiên, cũng như các hệ thống BHYT xã hội khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những thử thách nhất định về tính bền vững trong nguồn tài chính.

Các mô hình tổ chức BHYT ở nhiều quốc gia cho thấy, quỹ BHYT không nhất thiết phải đến từ một nguồn tập trung của chính phủ mà còn có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đó, tạo ra “mối quan hệ 2 chiều giữa nhiều bên liên quan” và hình thành kiểu mô hình tài chính khác biệt. Các nguồn đó có thể là huy động sự tham gia của hệ thống bảo hiểm thương mại/dịch vụ.

Việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận, đang mang lại hiệu quả"

Cần áp dụng phương pháp tiếp cận tổng thể lấy bệnh nhân làm trung tâm khi thực hiện các cải cách về phương thức thanh toán BHYT- tức là việc thực hiện các phương pháp khác nhau như thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRG), thanh toán dựa trên phí dịch vụ, thanh toán theo định suất cần được thực hiện cẩn trọng với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo kết quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân; đồng thời giảm thiểu chi phí tự trả của người bệnh và đảm bảo sự bền vững của quỹ BHYT.

Ngoài ra, còn có 2 thách thức lớn khác. Thứ nhất là Hệ thống dữ liệu và quản lý dữ liệu. Hiện nay, cơ quan BHXH đang từng bước chuyển đổi số và hệ thống hóa cơ sở dữ liệu. Việc này rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu có chính sách chia sẻ nguồn dữ liệu để các bên liên quan có thể tối ưu hóa nguồn dữ liệu này.

Thứ hai là quản lý nguồn quỹ của BHXH và BHYT. Để duy trì và tăng thêm dân số được bao phủ BHYT, điều thiết yếu cần làm chính là tăng chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người bệnh, tăng mức chi trả của BHYT, tăng danh mục thuốc và vật tư y tế được chi trả, nhưng không tăng mức đóng.

Từ ngày 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSS-ID thay thế cho việc sử dụng BHYT giấy

Từ ngày 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSS-ID thay thế cho việc sử dụng BHYT giấy

- Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật BHYT, ông có khuyến nghị gì để BHYT của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn?

Chúng tôi rất hoan nghênh việc sửa đổi Luật BHYT, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt thách thức tìm ra cơ chế tài chính y tế bền vững, huy động thêm nguồn tài chính bổ sung cho quỹ BHYT.

Chính sách BHYT của Việt Nam có thể được cải thiện thông qua việc gia tăng tỷ lệ bao phủ dân số và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh chóng với thuốc và các phương thức điều trị chất lượng cao; đồng thời đảm bảo hạn chế tối đa chi phí y tế mà người dân phải chịu. Để đạt được mục tiêu này, các cơ chế đổi mới cần được phát triển. Ba lĩnh vực ưu tiên cần được chú trọng là: môi trường chính sách thuận lợi, sự quan tâm của các công ty bảo hiểm và năng lực công nghệ kỹ thuật số.

Mức đóng hợp lý là yếu tố cơ bản nhất. Để đảm bảo khả năng chi trả của người dân, mức đóng nên được tính toán phù hợp, phạm vi quyền lợi đủ rộng và giảm thiểu các điều khoản ràng buộc để nhiều người dân có thể tham gia. Ngoài ra, chiến lược truyền thông vể lợi ích của việc tham gia BHYT cần có sức thuyết phục với thông điệp thật nhất quán, đặc biệt là từ chính phủ, sao cho người dân có thể tự tin tham gia các gói BHYT bổ sung mới.

Các kênh trực tuyến và kỹ thuật số có thể được sử dụng để đảm bảo thông tin có thể được truy cập dễ dàng. Những mô hình này cần được khuyến khích phát triển. Đây sẽ là một nỗ lực liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi một phương pháp tiếp cận đổi mới từ chính phủ.

Chúng tôi hoan nghênh và nhấn mạnh việc cần thiết xem xét áp dụng mô hình BHYT bổ sung tại Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ đảm bảo mức bảo vệ tài chính cao hơn và các gói quyền lợi bảo hiểm tốt hơn cho người dân. Một trong những điểm quan trọng là Luật BHYT sửa đổi cần có cơ chế riêng khuyến khích khối bảo hiểm tư nhân cùng tham gia thực hiện BHYT bổ sung, để đảm bảo khả năng huy động tối đa tài chính từ các nguồn khác ngoài BHYT công lập. 

Cuối cùng là cần tăng thu và giảm chi để giảm gánh nặng về ngân sách bằng cách kêu gọi sự đồng hành của các đơn vị sử dụng lao động, khối ngành độc hại và kinh doanh sản phẩm độc hại. Phối hợp với cơ quan Thuế rà soát thực hiện. Có chính sách kêu gọi sự đồng hành từ các doanh nghiệp kinh doanh liên quan như dược phẩm, trang thiết bị y tế và vật tư, ... và giảm chi lãng phí (hiện đang chiếm từ 20- 40% tùy theo nhóm ngành nghề). Khi người sử dụng lao động phải mua BHYT tư nhân (hay BHYT bổ sung) cho nhân viên của mình thì các chi phí mua BHYT tư nhân này cần được miễn thuế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

    Ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

    12:50, 06/11/2022

  • Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản: Nhiều vấn đề “nóng” về BHXH, BHYT được giải đáp thỏa đáng

    Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản: Nhiều vấn đề “nóng” về BHXH, BHYT được giải đáp thỏa đáng

    07:33, 12/10/2022

  • Điện Biên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT

    Điện Biên: Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT

    18:08, 25/08/2022

An Chi