Bình đẳng giới - bao giờ thành sự thật?

MINH TUẤN 25/05/2023 04:00

Phụ nữ hiện tại có khi chỉ hơn được đàn ông về số lượng quần áo và mỹ phẩm, còn lại thua thiệt đủ đường.

>>Giới nữ ngân hàng nói gì về đa dạng và bình đẳng giới trong ngành?

Có thứ rất công bằng cho tất cả mọi người như bầu không khí cùng hít thở chung, đó là mỗi ngày chúng ta đều có 24 giờ đồng hồ như nhau. Sử dụng thời gian đó thế nào, hiệu quả hay không tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân, nhưng chắc chắn một điều, chúng ta chưa thực sự có bình đẳng giới trong 24 giờ đồng hồ/ngày, đêm đối với nam giới và nữ giới.

Trên thực tế, phụ nữ vẫn đang phải gánh vác thêm việc gia đình kèm nhiều việc không tên. Người đàn ông nào chăm chỉ làm việc nhà chia sẻ với phụ nữ thì được chị em ca ngợi là người đàn ông trong truyền thuyết. Nhưng với anh em, bạn bè thì lại bị châm chọc là “người đàn ông mặc váy”.

Luật bình đẳng giới quy định việc nam, nữ bây giờ có vai trò vị trí ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

1/3 phụ nữ Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày - Ảnh: World Bank Việt Nam

1/3 phụ nữ Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày - Ảnh: World Bank Việt Nam

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, phụ nữ hiện tại có khi chỉ hơn được đàn ông về số lượng quần áo và mỹ phẩm, còn lại thua thiệt đủ đường. Ở xã hội hiện đại ngày nay phụ nữ ngày đã tự chủ độc lập về tài chính. Nhiều lĩnh vực chị em có thu nhập cao hơn cả đàn ông như thẩm mỹ, spa... Và với nhiều gia đình, chị em không phải là “phụ” mà trở thành “chính nữ” theo đúng nghĩa vừa làm trụ cột kinh tế, vừa cáng đáng công việc gia đình.

Đàn ông thì không coi việc lấy được những người “chính nữ” như vậy là điều may mắn mà vì tự ti, sĩ diện nên hay thể hiện mình là quyền lực, trụ cột trong nhà mà làm những điều trái khoáy gây nên sự bất mãn cho người phụ nữ.

Còn tư tưởng kiểu phong kiến, gia trưởng “trọng nam, khinh nữ” thì chẳng bao giờ có thể nói đến chuyện bình đẳng giới thực sự. Ở các vùng quê vẫn còn ngồi ăn cỗ chia mâm theo vai vế, theo nhà có con trai và nhà toàn con gái. Tâm lý có đứa cháu đích tôn để “nối dõi tông đường” vẫn hằn sâu trong suy nghĩ, quan niệm của nhiều người làm ông bà, cha mẹ, gây áp lực lên các cặp vợ chồng sinh con một bề.

>>Doanh nhân nữ khẳng định vai trò dẫn dắt nhờ thúc đẩy bình đẳng giới

>>Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khởi nghiệp

>>Bình đẳng giới là nguồn lực, “an ninh” cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp

Phụ nữ có tư tưởng tiến bộ dám sống cho mình, chấp nhận làm mẹ đơn thân vẫn phải chịu sự soi mói, búa rìu của dư luận với những suy luận vô căn cứ phỏng đoán của một vài người rồi thành tin đồn lan truyền. Tại sao đàn ông sống một mình nuôi con thì được thông cảm là “gà trống nuôi con”, còn phụ nữ đơn thân với sự vất vả không hề kém lại không được thông cảm, sẻ chia, tôn trọng và bảo vệ?

Phần lớn trong các gia đình hiện nay, đàn ông vẫn khoán trắng việc nhà cho vợ. Cùng đi làm, thậm chí cùng nơi làm việc, nhưng hết giờ là cánh đàn ông tụ họp chơi thể thao, sau đó tiệc tùng bia bọt quán xá. Cơm nước, dọn dẹp, quần áo, nhà cửa chăm sóc con cái… đùn hết cho phụ nữ. Đàn ông tự cho mình cái quyền như thế, dù thực tế chẳng có ai cho. Còn phụ nữ có tham gia các câu lạc bộ theo sở thích cũng vẫn chỉ là tranh thủ, còn lại mau mau chóng chóng về nhà cơm nước cho chồng con, hối thúc, theo dõi con cái học hành như là con cái đẻ ra chỉ các mẹ là phải có trách nhiệm, con chung mà hoá quá con riêng.

Tại sao cứ vin vào lý do thiên chức là phụ nữ phải chịu nhịn và chấp nhận thiệt thòi, trong khi nếu đúng ra đàn ông mới cần chịu nhịn và hy sinh hơn phụ nữ. Ở các nước phát triển xếp theo thứ tự ưu tiên thì trẻ em, người già, phụ nữ, đến chó, mèo rồi mới đến đàn ông. Còn ở Việt Nam, đàn ông cứ như là ông tướng, có cả những thành phần rượu chè say xỉn vào đánh đập cả vợ con, tức là bạo hành phụ nữ và trẻ em.

Đã đến lúc cần thực hiện bình đẳng giới một cách nghiêm túc để giải phóng phụ nữ, cũng chính là giải phóng đàn ông. Bình đẳng cả về cảm xúc, đàn ông không cần phải giồng mình lên, khi buồn không dám khóc, khi vui không dám cười vì sợ bị so sánh với phụ nữ. Chính áp lực làm đàn ông phải mạnh mẽ, cứng rắn dẫn đến tỉ lệ tự tử ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới vì họ luôn coi là cái cọc không thể dựa vào ai ngoài chính mình. 

Thời gian chăm sóc gia đình không được trả lương của nữ giới cao gấp 3 lần nam giới - Ảnh: World Bank Việt Nam

Thời gian chăm sóc gia đình không được trả lương của nữ giới cao gấp 3 lần nam giới - Ảnh: World Bank Việt Nam

Số liệu của cuộc điều tra quốc gia mới diễn ra tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp Tổng cục thống kê thực hiện với sự tài trợ từ Australian Embassy Việt Nam về việc phân bổ thời gian hàng ngày giữa phụ nữ và đàn ông cho thấy rõ sự bất bình đẳng trong nam giới và nữ giới.

Cụ thể, điều tra được tiến hành bằng cách phỏng vấn 6.000 người trên toàn quốc,kết quả cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về việc phân bổ thời gian giữa công việc trả lương và không trả lương giữa hai giới.

Kết quả sơ bộ cho thấy hầu hết nữ giới phải dành thời gian hàng ngày cho công việc nhà, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 55%. Điều đáng chú ý là mỗi ngày nữ giới phải dành nhiều thời gian hơn (3 giờ) so với nam giới (1 giờ 42 phút) để thực hiện công việc nhà.

Ngoài ra, 45% nữ giới tham gia công việc chăm sóc gia đình, trong khi chỉ có 24% nam giới tham gia. Trong khi đó, trung bình gần 1/3 phụ nữ ở Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày.

Những số liệu trên sẽ có tác dụng để các nhà hoạch định luật có kế hoạch thiết kế điều luật cho hợp lý, xoá bỏ những bất công, bất cập hiện tại để bình đẳng giới thành hiện thực chứ không ngân nga như câu hát “bao giờ cho đến bao giờ?”.

Có thể bạn quan tâm

  • Giới nữ ngân hàng nói gì về đa dạng và bình đẳng giới trong ngành?

    12:03, 08/03/2023

  • Doanh nhân nữ khẳng định vai trò dẫn dắt nhờ thúc đẩy bình đẳng giới

    12:23, 08/11/2022

  • Hội Liên hiệp Phụ nữ VN hợp tác chiến lược với doanh nghiệp nâng cao bình đẳng giới phụ nữ

    07:09, 07/11/2022

  • CEO IPPG: 6 lợi ích của bình đẳng giới trong doanh nghiệp

    15:17, 30/12/2021

MINH TUẤN