Trăn trở về một nền giáo dục
Nếu chỉ "trông" vào ngân sách thì giáo dục sẽ mãi "nghèo". Tôi học kinh tế, là người ngoại đạo với giáo dục nhưng có thể khẳng định không có một ngành nào chỉ trông vào ngân sách để phát triển.
>>Giáo dục Việt Nam: Những mảng màu sáng, tối
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về thành tích Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.
Vĩnh Phúc có điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước với 7,36 điểm.
Căn cứ vào dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/7, địa phương dẫn đầu cả nước về trung bình số điểm thi các môn thuộc về Vĩnh Phúc - 7,36 điểm (tăng 1 bậc so với năm ngoái, soán ngôi của Nam Định).
Đổi mới nhưng không để "lệch lạc"
Với điểm bình quân các bài thi đạt 7,16, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước. Trong đó, có 4/9 môn thi đứng vị trí top 1 cả nước đó là Lý, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Môn Ngữ văn đứng top 2 cả nước, môn Toán đứng top 4, môn Hóa, Sinh đứng top 5, môn Ngoại ngữ đứng top 7.
Nhấn mạnh về tầm nhìn giáo dục, những hoài bão và trăn trở đối với phát triển GD&ĐT Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực “khuôn vàng thước ngọc”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, giáo dục mầm non phải giữ được sự hồn nhiên cho lớp thế hệ công dân tương lai. Nói đến giáo dục giai đoạn vừa qua là nói đến cải cách, đổi mới. Đổi mới, thay đổi là cần thiết, nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng.
Giáo dục cần sự ổn định, nhưng thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới liên tục. Vậy, vấn đề đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội? “Đây là điều mà ngành phải tính, phải nhận thức thấu đáo để làm đúng. Là lãnh đạo quản lý, chúng ta phải tạo điều kiện, môi trường để các thầy cô đạt được cả hai yêu cầu này”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói.
Bác Hồ nói về giáo dục đã căn dặn: "Dạy mẫu giáo trước tiên phải dạy giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu". Lời căn dặn của Bác chính là "tuyên ngôn" của ngành Giáo dục mầm non. Câu hỏi ở đây là chăm sóc, dạy dỗ kiến thức nhưng phải làm sao giữ được sự hồn nhiên cho các cháu?
“Hiện nay, chúng ta có dạy cứng nhắc theo giáo trình, dạy trẻ con nói giọng của người lớn, tư duy theo kiểu người lớn hay không? Chúng ta có đặt ra yêu cầu dạy kiến thức, những điều quá lớn với giáo viên mầm non hay không? Các cô giáo phải làm sao để gìn giữ, duy trì sự hồn nhiên của lớp thế hệ công dân của chúng ta trong tương lai? Đó là những vấn đề chúng ta phải trăn trở, tư duy”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành bày tỏ.
Vậy, giáo dục phải dạy những gì? Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, giáo dục phải dạy kiến thức gì hết sức cơ bản của con người. Đạo đức là toàn bộ nền tảng của Giáo dục tiểu học – đó là lời của Bác Hồ. “Cho đến nay, mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những tiết học cấp 1. Tôi khẳng định, những thầy cô giáo cấp 1 là những người đi vào tâm khảm của học sinh lâu nhất, nhớ nhất, và những tiết học mà chúng tôi nhớ nhất lại là những tiết học Đạo đức”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành chia sẻ.
Những câu chuyện mà đến cuối giờ, gấp sách bút lại, cô giáo lại dành thời gian đọc, kể một câu chuyện về đạo đức. Những câu chuyện nghe rất đơn giản, nhưng lại làm cho chúng ta nhớ mãi, như câu chuyện “Tô mỳ của người lạ”, giáo dục về tình cảm, ứng xử đối với cha mẹ. Câu chuyện nhỏ, ngắn gọn nhưng sẽ nhớ mãi. Nó thay cho rất nhiều bài học khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành mong muốn giáo dục ở bậc Tiểu học phải truyền giảng, dành cho các em - lứa, lớp công dân sau này, có kiến thức, có sự nhân văn trong tâm khảm của mình. Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập, nhưng Giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Rõ ràng, chúng ta muốn dạy một con người có đạo đức thì phải cố gắng đưa ngay vào chương trình ở bậc Tiểu học.
“Những câu chuyện mà tôi khắc ghi từ khi còn tiểu học, giờ đây chúng tôi vẫn dành thời gian để dạy con cái. Chúng nhớ hơn rất nhiều. Có thể chúng ta không làm thay đổi chương trình của các thầy cô, nhưng có lẽ cần xen kẹp, tích lũy cho các em những vốn sống cao quý đó vào những buổi dạy, những tiết học. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục thực sự nhẹ nhàng, nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Với học sinh trung học, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành bên cạnh việc dạy kiến thức cơ bản chúng ta hãy dạy cho các em bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng, sau này ra trường làm thợ.
Tại sao chúng ta đang duy trì tỉ lệ ngày càng cao hơn học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THPT chính vì mục tiêu này. Ngoại ngữ và giáo dục kỹ năng sống là 2 vấn đề cơ bản. Ngoại ngữ để giúp con trẻ chúng ta có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.
Còn kỹ năng sống giúp trẻ em chống chọi, ứng phó được các thay đổi, các nguy hiểm, sinh tồn. Rất nhiều câu chuyện trẻ em thoát chết, sống sót vì chúng được đào tạo kỹ năng thoát nạn.
>>Quảng Ninh: Gắn kết chương trình giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
>>Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số
Trao cơ hội học tập đến những nhóm yếu thế
Đánh giá về môi trường giáo dục hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành thẳng thắn nhìn nhận là vẫn còn những khiếm khuyết và cần phải được "lấp đầy". Một trong số đó là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật, mồ côi, đặc biệt là học sinh tự kỷ.
Có những học sinh tự kỷ hành động bột phát trong lớp học, gây nguy hiểm cho các bạn, nhưng chúng ta không tách bạch các em đó ra được. Vấn đề này Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị ngành giáo dục Vĩnh Phúc trong năm tới phải đặt lên bàn để nghiên cứu, đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, nếu xây dựng được một xã hội học tập thì sẽ có một mặt bằng dân trí cao. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chúng ta đã làm rất tốt. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành mong ngành giáo dục cần thấm nhuần và phát huy, tiếp tục làm tốt hơn nữa.
Chúng ta vẫn nói giáo dục mũi nhọn với các em học sinh đạt Huy chương quốc tế giúp “nâng tầm” của tỉnh. Nhưng tôi đề nghị với ngành Giáo dục liên hệ với một trường hợp là em Nguyễn Xuân Thọ - Huy chương Bạc Toán quốc tế, em đã học xong nhiều bằng ở Mỹ, làm thế nào để mời được em đó quay về Vĩnh Phúc?
Mặc dù Nghị quyết của tỉnh đã chi rất nhiều tiền để thu hút nhân tài nhưng đến bây giờ vẫn chưa thuyết phục được các em quay về. Điều đấy để nói lên điều gì? Các em chưa về Vĩnh Phúc có nhiều nguyên nhân, như Vĩnh Phúc chưa có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của các em, nhưng cũng cần nhận ra rằng, xây dựng xã hội học tập để tạo ra cả một xã hội cùng học sẽ tạo ra và nâng cao được mặt bằng dân trí của tỉnh.
"Một em đạt Huy chương Vàng như một "cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân", chưa thể làm thay đổi Vĩnh Phúc, nhưng một xã hội học tập, trong vòng 5 năm tới nếu làm tốt sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nói.
Có một vấn đề khác mà Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tâm huyết và quan tâm, đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT và hội nhập giáo dục. Nhiều năm nay, chúng ta có tình trạng thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục. Nhưng đó chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục.
"Nếu giáo dục chỉ trông vào ngân sách thì sẽ mãi là giáo dục nghèo. Tôi học kinh tế, là người ngoại đạo với giáo dục, nhưng có thể khẳng định không có một ngành nào chỉ trông vào ngân sách để phát triển. Cho nên, để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống kể trên", Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Thứ nhất, chúng ta thu được tiền. Thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó. Thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con em chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo của chúng ta vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây...
Có thể bạn quan tâm
Startup giáo dục Vuihoc: 3 năm liên tiếp gọi vốn thành công
01:40, 13/07/2023
Giáo dục Việt Nam: Những mảng màu sáng, tối
03:00, 26/06/2023
Quảng Ninh: Gắn kết chương trình giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
14:06, 23/06/2023
Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số
11:56, 22/06/2023