Sạt lở đất và lời cảnh báo từ thiên nhiên

SÔNG HÀN 08/08/2023 03:00

Sạt lở đất là một hiện tượng thiên nhiên đầy nguy hiểm, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho cả con người và môi trường.

>>Bộ TNMT nói gì về những vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng?

Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng qua câu chuyện về sạt lở đất ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Yên Bái, Nghệ An và Sóc Sơn (Hà Nội)... những ngày qua.

Sạt lở đất là một vấn đề nghiêm trọng mà con người chúng ta đang phải đối mặt thời gian qua. Bên cạnh diễn biến phức tạp của khí hậu cực đoan thì hầu hết chúng ta đều nhận ra tác động thô bạo từ con người vào thiên nhiên đã dẫn đến hậu quả môi trường đau lòng. 

Mới đây, tại khu vực hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Lũ quét bất ngờ, nhiều ô tô mắc kẹt ở khu vực Sóc Sơn

Lũ quét bất ngờ, nhiều ô tô mắc kẹt ở khu vực Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Facebook

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho thấy, tính tới ngày 3/8 toàn tỉnh có 73 vị trí nguy cơ ngập, 163 điểm nguy cơ sạt lở khi xảy ra mưa lớn. Từ đầu năm đến nay, Lâm Đồng xảy ra 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 cơn lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, 9 người tử vong, 4 người bị thương, 235 căn nhà và 283ha cây trồng bị hư hại.

Tại các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn khoảng gấp 2 đến 2,5 lần so với lượng mưa hàng năm. Mưa và tác động của con người đã tạo ra tổ hợp bất lợi cho các công trình hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, dẫn đến tình trạng sạt trượt.

Còn tại một số địa phương ở các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…, lượng nước từ bên Lào về lớn nên đã gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, sạt lở giao thông, thiệt hại nhà cửa, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng...

Trước đó, vào tháng 10/2020, câu chuyện buồn khác về sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 2 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã để lại nỗi đau lớn cho người dân nơi đây. Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh và lập bản đồ đánh giá tình trạng nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cảnh báo hiểm họa thiên tai.

Dĩ nhiên, rất nhiều nguyên nhân được các nhà chức trách đưa ra mổ xẻ, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng, đặc biệt sẽ gây ra nhiều vụ lở đất hơn, đặc biệt là ở các khu vực miền núi có băng tuyết. Nguyên nhân là khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy, các sườn núi đá có thể trở nên không ổn định hơn dẫn đến sạt lở đất.

>>Nghệ An: Người dân “kêu cứu” tại dự án chống sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành

>>Kon Tum: Dự án kè chống sạt lở tiền tỷ bị "trôi sông"

Tại Việt Nam, đặc biệt là những vùng đồi núi, nguy cơ sạt lở luôn hiện hữu, thậm chí những dấu hiệu cảnh báo từ thiên nhiên thường xuất hiện trước khi sạt lở xảy ra. Đó có thể là các biểu hiện như cây cối bất thường, thay đổi độ dốc của mặt đất, tiếng ồn kỳ lạ trong lòng đất, hay sự di chuyển không bình thường của đất, đá.

Thế nhưng cần phải nhìn nhận thẳng vấn đề ở đây đó là, sạt lở cũng có thể gián tiếp chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của con người, như thay đổi đất đai, phá hủy thảm thực vật trên sườn núi. Cụ thể, việc xây dựng  nhiều công trình, như mở đường, san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà máy thủy điện cũng làm mất ổn định sườn dốc, trở thành những nguyên nhân kích hoạt, dẫn tới thiên tai xảy ra.

Trong đó, mất rừng tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sạt lở. Chúng ta đã khai thác rừng quá đà và sau đó phải có nhiều phương án phục hồi nhưng chưa đúng cách, mảng xanh rừng tăng lên nhưng thật sự rừng được trồng lại không hiệu quả về bóng mát và che phủ nhiều tầng. 

Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70 - 80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng, nên không mấy hiệu quả trong việc chống sạt lở, do hệ thống rễ cây không phát triển đủ tốt để giữ nước.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, xóa sổ rừng để canh tác hoặc san phẳng đồi để xây dựng, sẽ làm cấu trúc đất đá thay đổi, dẫn tới nguy cơ khi có lượng mưa lớn thì sẽ xảy ra sạt lở lớn hơn. 

Chẳng hạn như trường hợp sạt lở ở khu vực hồ Ban Tiện nói trên cho thấy, thời gian gần đây, rất nhiều khu resort, homestay được xây dựng trên phần này. Điều đó đã khiến lớp phủ thực vật bị mất đi, kết cấu địa chất bị tác động, cộng với việc mưa lớn kéo dài khiến lớp đá trầm tích ngấm nước dẫn đến nguy cơ sạt lở, sụt lún tăng cao.

“Có thể nói, sự cố xảy ra tại khu vực hồ Ban Tiện, Sóc Sơn, chính là "lời cảnh báo từ thiên nhiên" cho những tác động thiếu bền vững của con người”, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh.

Rõ ràng, lời cảnh báo từ thiên nhiên là thông điệp mà chúng ta cần được lắng nghe và đối mặt một cách nghiêm túc. Nó là cơ hội để chúng ta học hỏi và đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Chúng ta cần học cách đọc hiểu ngôn ngữ của tự nhiên để tránh những thảm họa không đáng có. Hệ thống cảnh báo, theo dõi địa hình địa chất cần được đầu tư và phát triển để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ sạt lở đất và bảo vệ cuộc sống, tài sản của con người.

Thành thử, trong câu chuyện về sạt lở đất nói trên, chúng ta có thể thấy rằng thiên nhiên luôn gửi đi những dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta. Phải chăng, đã đến lúc phải chân thành để nói với nhau, hãy vỗ về thiên nhiên trước khi quá muộn.

Đã đến lúc cả cộng đồng phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên. Mọi khẩu hiệu đều trở nên vô nghĩa, nếu mỗi người vẫn giữ nguyên thói quen sống dửng dưng và ích kỷ của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vận tải liên vận “ách tắc” do QL8A sạt lở, chia cắt

    16:21, 07/08/2023

  • Bộ TNMT nói gì về những vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng?

    21:03, 05/08/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất tại Tây Nguyên

    10:42, 05/08/2023

  • Nghệ An: Người dân “kêu cứu” tại dự án chống sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành

    11:00, 29/07/2023

  • Nghệ An: Sạt lở chân cầu, chính quyền “bế tắc”… chờ vốn?

    10:43, 07/07/2023

SÔNG HÀN