Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp: Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có Tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), năm năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018).
Trước khi diễn ra chuyến viếng thăm chính thức nước Pháp của TBT Nguyễn Phú Trọng, ngay từ đầu năm 2018, Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne là thành viên đầu tiên của chính phủ Macron đã tới Việt Nam, nhân Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam - Pháp lần thứ 5 tại Hà Nội.
Song phương - đa phương đều cần thiết
Theo đại sứ Việt Nam tại Paris, chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa đối với mỗi nước. Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước vào thời điểm bản lề trong bang giao song phương. Đối với Pháp, đây là lúc nước Pháp đang đứng trước những thay đổi sâu sắc kể từ khi Tổng thống Macron lên cầm quyền và nước Pháp đang trải qua những cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Đối với Việt Nam, đây là thời điểm chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng 6-7% trong nhiều năm liền. Với ý nghĩa quan trọng là cuộc gặp giữa lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước, hai nhà lãnh đạo Việt - Pháp sẽ cùng nhau xác định khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm sẽ điểm lại những gì đã làm được trong 45 năm qua và cùng nhau nhất trí về việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc và mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn gửi đi thông điệp quan trọng - đó là thông điệp về một nước Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, sẵn sàng là một đối tác tin cậy và là một cầu nối quan trọng với nước Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Thiệp cũng cho rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn gửi đi nhiều thông điệp quan trọng khác. Đó là thông điệp về một nước Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, luôn sẵn sàng là một đối tác tin cậy và là một cầu nối quan trọng với nước Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo hàng đầu khẳng định quyết tâm chung đưa “Đối tác chiến lược Việt Nam—Pháp” ký tháng 9/2013 tiếp tục phát triển một cách sâu sắc trên tất cả các mặt.
Nâng tầm quan hệ kinh tế
Chuyến thăm Pháp của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam 2018 này được kỳ vọng sẽ chuyển mình từ mọi góc độ, đáng chú ý là sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu với việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng hơn. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam—EU (EVFTA) dự kiến được ký kết trong năm 2018 sẽ là bước ngoặt mới trong chặng đường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU.
Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2017 đạt 4,62 tỷ USD; là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ ODA hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.
Tuy nhiên, tính đến cuối 2017, Pháp có 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Đây là con số còn thấp so với tiềm năng của một nền kinh tế thuộc G7 và hiện đứng thứ 5 thế giới với năng lực dồi dào về công nghệ, tiềm năng về vốn và có quan hệ gắn bó với Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện nay khoảng trên 300.000 người. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với 7.000 lưu học sinh.
Để thúc đẩy lĩnh vực này khởi sắc, nhất là sau 20 năm các doanh nghiệp Pháp là những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên có mặt ở Việt Nam, Đại sứ quán sẽ làm hết sức mình để trở thành cầu nối, giúp cho sự trao đổi, kết nối giữa các nhà đầu tư Pháp và các cơ quan hữu quan Việt Nam hiệu quả hơn, góp phần tăng cường kết quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại hai bên.
Hơn nữa, nhân chuyển thăm của Tổng bí thư, việc quảng bá về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam cũng rất quan trọng, nhất là về các lợi thế của Việt Nam như chính trị-xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng cao, thị trường lớn với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, môi trường đầu tư ổn định, chỉ số kinh doanh cải thiện, lực lượng lao động trẻ, ngày càng có tay nghề kỹ thuật cao…