6 kiến nghị của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn cho biết có 6 kiến nghị cần đề nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện và giải quyết.
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV sáng nay (21/5), Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 4 đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.
Cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Cử tri và nhân dân cũng vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội; xử lý “trúng” những vấn đề phức tạp, “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực và quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng...
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề mà cử tri và Nhân dân đã phản ánh, kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội, như: bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiệt hại do thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông; thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và đời sống Nhân dân.
Cụ thể, Theo Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn 6 kiến nghị cần đề nghị Quốc hội Chính phủ thực hiện và giải quyết sẽ bao gồm:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống như mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp như: dự án Luật tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị….
Đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề, theo đối tượng và trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ từ tư duy đến hành động.
Thứ tư, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nghiêm túc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm thời gian qua. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra chất lượng và công tác quản lý các dự án khu chung cư, nhà cao tầng; tăng cường phòng, chống cháy, nổ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý để xảy ra cháy, nổ.
Thứ sáu, về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017, nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm.
“Cử tri và nhân dân cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của “lợi ích nhóm” và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh” – ông Trần Thanh Mẫn nói.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.