Ổn định chính sách sẽ tạo sức hút cho đặc khu

Hồng Hương 23/05/2018 11:49

Tìm hiểu một số nước được đánh giá thành công về mô hình đặc khu, được biết sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại nơi đây ban đầu là ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài là ổn định chính sách.

Bên cạnh đó là một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.

Đó là một trong những ý kiến góp ý về quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5 của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

Các vị Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 23/5

Các vị Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 23/5

Có thể bạn quan tâm

  • Đặc khu kinh tế nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

    13:00, 23/05/2018

  • Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Đảm bảo không lạm dụng ưu đãi đặc khu

    12:54, 23/05/2018

  • Dự án Luật đặc khu kinh tế: Cần trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược

    10:31, 23/05/2018

  • 5 yếu tố tạo thành công đặc khu kinh tế

    09:46, 23/05/2018

  • Đặc khu hành chính kinh tế: Điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư?

    08:38, 23/05/2018

  • Nhà đầu tư "nóng lòng" đầu tư vào các đặc khu

    05:25, 23/05/2018

Theo đại biểu Thủy, Dự thảo được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà đặc khu. Hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của toà án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho toà án đặc khu giải quyết.

Đối với các vụ án hành chính, nói nôm na là các vụ án “dân kiện chính quyền” thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà án cấp huyện hiện nay.

Đại biểu Thủy cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu kiện đến Tòa tăng mạnh. Trong 3 đơn vị mà Quốc hội đang thảo luận ngày hôm nay, Phú Quốc tăng gần gấp 2 lần, trong khi đó, Dự thảo đề cập vấn đề tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu với các vụ dân sự, không tăng thẩm quyền với các vụ án hành chính.

Điều này sẽ dẫn tới thực tế, với các vụ án dân sự, các tòa án thậm chí có thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan tới bắt giữ tàu bay quốc tế, là vấn đề hết sức phức tạp. Trong khi đó, với các vụ án hành chính, tòa án đặc khu lại không có cả quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND, Chủ tịch UBND đồng cấp hành chính huyện.

Cũng theo đại biểu Thủy, nếu lấy lý do rằng việc cho tòa án đặc khu giải quyết các vụ án, khiếu kiện với Chủ tịch UBND cùng cấp có thể sẽ ảnh hưởng tới tính vô tư khách quan, thì sẽ không giải quyết được việc, pháp luật hiện hành cũng đang giao cho 63 tòa án cấp tỉnh, giải quyết các khiếu kiện với Chủ tịch UBND cấp tỉnh…

"Quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa, chi phí và thời gian đi lại của người dân và nhà đầu tư. Cả 3 đặc khu này đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc, để đi được tới tòa án tỉnh Kiên Giang, người dân và nhà đầu tư phải đi tàu để vượt qua 120 km". - đại biểu Thủy nhìn nhận.

Cũng theo vị đại biểu này, các đặc khu được dự báo phát triển nóng thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải điều hành nhanh nhẹn, hiệu quả nhưng bắt buộc phải tham gia đầy đủ phiên toà thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương, mà nếu không tham gia phiên toà sẽ ảnh hưởng đến việc đối thoại, tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc của người dân.

"So sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong luật cho thấy còn khoảng cách rất lớn” – bà Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh và giải thích, UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên, cụ thể là 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 ở Bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng, thế nhưng cơ quan tư pháp đặc khu lại không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình. Điều này là chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên vì quy định như dự thảo thì các vụ án hành chính dồn lên cấp trên và thậm chí còn lên tận toà cấp cao giải quyết.

“Sẽ vất vả cho người dân phải theo kiện trong điều kiện phải giải quyết ở tòa án nhân dân cấp cao khi cả nước chỉ có 3 nơi là Hà Nội, TP HCM, và Đà Nẵng. Như vậy, quy định như dự thảo sẽ dồn toàn bộ án hành chính lên cấp trên giải quyết.”, đại biểu Thủy nói thêm.

“Đề nghị Quốc hội giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những đảm bảo cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý”, bà Thủy nói.

Hồng Hương