Đặc khu phải tạo nên mô hình phát triển mới
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang nóng trên khắp các diễn đàn từ chính thống đến mạng xã hội.
Bên hành lang Quốc hội, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc về dự án luật này.- Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang hướng tới những mục tiêu phát triển dài hạn. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) đến lúc này đã đứng trước thời điểm thông qua. Tuy nhiên, dự luật vẫn còn nhiều điều ngổn ngang khiến nhiều người phải băn khoăn. Đặc khu là tạo ra một môi trường vượt trội để tạo ra hiệu quả cuối cùng là thu hút đầu tư và mang lại lợi ích tăng trưởng cho đặc khu và cả quốc gia. Nhưng thu hút đầu tư này cần đi vào không gian rất cụ thể chứ không phải luật chung, hay chỉ dựa vào những là vị trí đắc địa.
Dự luật cần phải hết sức thận trọng, những yếu tố chúng ta tạo ra sự ưu trội trong thu hút đầu tư như nguồn nhân lực, casino... đặc biệt là thời hạn 99 năm. Điều đó tôi cho rằng không còn phù hợp với ngày hôm nay, khi chúng ta luôn nói đến thời đại cách mạng CN 4.0 mà vẫn tư duy như ngày xưa.
Rất nhiều chuyên gia đánh giá, chúng ta lấy con số 99 năm ra làm thời hạn đầu tư thì chỉ hướng đến bất động sản. Còn đầu tư về công nghệ, nhất là trong thời đại thay đổi nhanh như hiện nay thì không cần thời gian quá dài như vậy để bảo đảm lợi ích.
Tại sao phải cho thuê đến 99 năm thì nhà đầu tư mới đến? Chỉ những người nào muốn lấy đất vĩnh viễn thì mới quan tâm, còn những nhà đầu tư lành mạnh sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện đó.
Có thể bạn quan tâm |
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể lường hết được biến động xã hội sẽ thay đổi như thế nào. Vậy chúng ta sẽ nghĩ gì với 99 năm nữa, con số này cần hàm chứa trong đó yếu tố về tinh thần, giá trị phi vật thể.
- Như vậy, luật này cần phải tính đến yếu tố tương lai, thưa ông?
Chúng ta phải có trách nhiệm với tương lai, không thể nhân danh ngày hôm nay để tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không biết tương lai sẽ đáp ứng như thế nào? Liệu trong tương lai đặc khu có còn ý nghĩa gì không? Do đó, chúng ta hãy làm như những gì thiên hạ đã làm, đừng tạo ra những ưu trội gì quá đáng, nhất là những ưu trội mà chúng ta chưa từng có kinh nghiệm.
- Còn với sức lan tỏa cho nền kinh tế, quản lý hành chính của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Chúng ta cũng chưa lường trước được sức lan tỏa về kinh tế. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, chúng ta có thể tạo ra các hình mẫu về thể chế, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nhân rộng. Chúng ta không nên nghĩ đến việc có casino để thu hút khách du lịch, bây giờ họ đánh bạc trên mạng chứ đâu cần phải đến casino. Hay vấn đề tại sao phải cho thuê đến 99 năm thì họ mới đến? Chỉ những người nào muốn lấy đất này vĩnh viễn thì mới quan tâm. Điều quan trọng là thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế phát triển.
- Vậy, chúng ta cần hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, thưa ông?
Đúng là chúng ta nên đặt ra các tiêu chí rõ ràng, bởi tôi lo ngại có thể biến 3 nơi này thành nơi di dân nhiều hơn. Thực tế, đây được ví như những mảnh đất vàng, “mặt tiền” của chúng ta nếu không có những giải pháp tối ưu. Chúng ta đã thấy những phố Tàu hay bãi biển ở Đà Nẵng, Nha Trang. Đây là những bài học phải được nghĩ tới.
- Theo ông, chúng ta phải làm gì để đặc khu trở thành những nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao chứ không thiên theo hướng nghỉ dưỡng, du lịch, casino...?
Chúng ta phải tính toán vấn đề này trên cơ sở khoa học và cân nhắc những yếu tố gì đang diễn ra, những bài học kinh nghiệm từ các nước. Tôi có cảm giác chúng ta đang “thả thính, nhử mồi” nhiều hơn là tạo ra một môi trường để nhà đầu tư thật sự tâm đắc. Tôi đã nghe được một vài góp ý như, nhà đầu tư không cần Việt Nam ưu đãi bằng cách miễn thuế, vẫn cứ đánh thuế nhưng số tiền đó nên đầu tư vào hạ tầng, tạo ra mối quan hệ thông thoáng hay quan hệ giữa các nhà đầu tư với chính quyền sao cho thật tốt. Tóm lại, điều kiện như thế nào thì sẽ cho chúng ta vị thế như vậy.
- Theo quan điểm của ông, chúng ta cần làm gì để thu hút nhà đầu tư có năng lực mà vẫn đủ khả năng dẫn dắt cuộc chơi tầm khu vực và toàn cầu?
Dù trong bất kể lĩnh vực nào thì cũng đều phải đấu trí, ai cũng muốn bảo vệ lợi ích cao nhất của mình. Chúng ta cần có những nhà quản lý có năng lực và tầm nhìn đi trước, bởi vì không thể coi thường những kinh nghiệm, thậm chí “chiêu trò” của các nhà đầu tư núp bóng. Thực tế, lĩnh vực này Việt Nam còn rất ít kinh nghiệm, vì ít kinh nghiệm nên càng phải quản lý chặt chẽ hơn và phải tìm ra yếu tố nào đó để bảo đảm sự bền vững và an toàn. Chúng ta không thể “phiêu lưu” trong việc này được.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Chú trọng tính kết nối Thành công của các đặc khu phụ thuộc chủ yếu vào môi trường đầu tư và vị trí các đặc khu kinh tế, tính kết nối tốt và gắn kết chặt chẽ với các cụm công nghiệp trong nước, bảo đảm môi trường sống và xã hội, ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược… Đặc khu nên thu hút những doanh nghiệp tạo mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên; tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không gạt bỏ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước… GS Hà Tôn Vinh: Tổng Giám đốc Công ty Quản lý StellarKhông nên tập trung về thuế Ưu đãi về tài chính không còn được gọi là ưu đãi nữa mà nó được coi là điều hiển nhiên ở bất cứ đâu muốn thu hút đầu tư. Vì vậy, muốn thu hút được nhà đầu tư chiến lược ngoài ưu đãi tài chính thì quan trọng hơn cả là ưu đãi phi tài chính, là hải quan, là cải cách thủ tục, là cơ chế, chính sách. Hiện với dự thảo Luật chưa thấy có nhân tố chính sách vượt trội. Đây là điều các nhà làm chính sách Việt Nam cần lưu ý. |