Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vẫn "băn khoăn" về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Hồng Hương 24/05/2018 15:55

Tại phiên thảo luận chiều 24/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Quy định chi tiết về vị trí thống lĩnh

Dự thảo Luật gồm 10 Chương và 123 điều, về một số vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh; Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh; Về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; Về đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể và xác định sức mạnh thị trường đáng kể; Tập trung kinh tế; Tố tụng cạnh tranh… 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng vào thực tế, một số nội dung sẽ tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để hoàn thiện và có thể thông qua.

Dự Luật cũng dành riêng 1 chương quy định chi tiết về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Theo đó, một DN được coi giữ vị trí thống lĩnh nếu chiếm 30% thị phần, đối với nhóm 2 DN thị phần được tính là vượt 50%; 3 DN chiếm 65% thị phần, 4 DN chiếm 75%, các nhóm này nếu bắt tay với nhau gây ra những cản trở DN khác tham gia thị trường hoặc kiểm soát cung cầu giá cả trên thị trường đều bị xử lý.

Điểm ấn tượng nhất là dự luật đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam, có nghĩa ngay cả những doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam mà có hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn bị xử lý nếu hành vi đó có tác động đáng kể tới thị trường trong nước.

Một điểm mới khác là dự luật sửa đổi không quy định cụ thể về thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung kinh tế như trước. Hiểu đơn giản là hiện nay, các DN mua bán, sáp nhập như vụ Uber, Grab vừa qua, nếu thị phần hợp lại chiếm trên 50% phải thông báo trước với cơ quan cạnh tranh. Nhưng theo luật mới, ngưỡng thị phần sẽ do chính phủ quy định và có thể thay đổi cho phù hợp với sự phát triển kinh tế từng thời kỳ.

Ngoài ra, dự luật cũng dành riêng một chương quy định chi tiết về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Một doanh nghiệp được coi là có vị trị thống lĩnh nếu chiếm 30% thị phần; với nhóm 2 doanh nghiệp, thị phần vượt trên 50%, 3 DN chiếm 65% thị phần hoặc 4 DN chiếm 75% thị phần. Các nhóm này nếu bắt tay với nhau gây ra những hành động cản trở DN khác tham gia thị trường hoặc kiểm soát cung cầu, giá cả trên thị trường đều bị xử lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Tìm mô hình cho cơ quan quản lý cạnh tranh

    13:14, 24/05/2018

  • Phá thế độc quyền trong Luật Cạnh tranh

    12:37, 27/04/2018

  • Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Hoàn thiện hành lang kinh tế thị trường

    05:14, 19/11/2017

  • Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Tác động của Luật Cạnh tranh còn “mờ nhạt”  

    13:53, 15/11/2017

  • Luật Cạnh tranh có đảm bảo… cạnh tranh?

    19:40, 30/10/2017

Địa vị pháp lý của cơ quan chuyên trách

ĐB Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đưa ra ba băn khoăn liên quan đến dự luật. Theo ĐB Công, thứ nhất, cần làm rõ địa vị pháp lý của  Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Theo quy định tại khoản 1 điều 48 về Luật Cạnh tranh thì Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan của Bộ Công Thương, cách xác định địa vị pháp lý của Ủy ban như vậy vẫn không phù hợp với tính chất quốc gia như tên gọi của Ủy ban đã ngụ ý. Bởi đây là cơ quan trực tiếp có trách nhiệm xử lý quyết định các vụ việc cạnh tranh kiểm soát tập trung kinh tế một cách khách quan, công bằng và chỉ tuân theo luật trong quá trình hoạt động.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, cần tôn trọng tính độc lập của cơ quan xử lý các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế. Cơ quan này phải đảm bảo tính độc lập trong việc ra quyết định về việc xác định hành vi của doanh nghiệp là vi phạm luật cạnh tranh hay không, đi kèm với việc áp dụng biện pháp chế tài mà không chịu áp lực của bất cứ tổ chức nào có liên quan.

Chính vì vậy để đảm bảo tính độc lập của Ủy ban, theo ĐB Công, không nên để Ủy ban này là cơ quan của Bộ Công Thương.

Thứ 2, về thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần tương xứng với yêu cầu  bảo đảm  tính độc lập trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cần do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, trong khi các thành viên khác do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Như vậy, sẽ tăng cường vị thế của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, về nhiệm kỳ của thành viên UB cạnh tranh quốc gia, theo quy định nhiệm kỳ là 5 năm. Nếu quy định này được thông qua và áp dụng trong thực tế thì sẽ là khá ngắn. Bố trí nhiệm kỳ song song với Bộ trưởng và Chính phủ sẽ làm giảm tính độc lập của UB cạnh tranh quốc gia.

Vì vậy, để tăng cường tính độc lập và theo kinh nghiệm đã thành công của các nước khác trên thế giới thì nên xem xét kéo dài nhiệm kỳ này lên 7 năm là phù hợp.

Còn theo đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang), doanh nghiệp nhỏ và vừa không thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Luật Cạnh tranh, do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều khoản ghi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hồng Hương