Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu
Trong 5 nhóm vấn đề được UBTVQH tổng hợp, xuất trình Quốc hội xem xét để lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn chính thức tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV này, thì chất lượng giáo dục nằm trong “top” 3.
“Tư lệnh ngành” Giáo dục là Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ đăng đàn với nội dung chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục.
Sự việc càng khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục mầm non khi xảy ra hàng loạt “sự cố” do lỗi nghiệp vụ cũng như đạo đức giáo viên. Trong khi giáo viên mầm non được đào tạo chính thống vẫn còn chưa đạt yêu cầu bậc học thì những giáo viên bậc học khác chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn thì làm sao có đủ khả năng đứng lớp, xử lý hàng ngày những tình huống đặc thù ở lứa tuổi mầm non.
Chất lượng giáo dục vẫn chưa đồng đều trong hệ thống giáo dục.
Thiếu công bằng và bất hợp lý
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chất lượng giáo dục của chúng ta trong những năm gần đây đã được nâng lên, trải qua nhiều cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nên đã dần thiết kế được một hệ thống giáo dục tương đối theo kịp yêu cầu của xã hội cũng như thế giới.
Tuy nhiên, chính câu chuyện “cố gắng và nỗ lực” này đã dẫn đến việc hệ thống còn mang tính chất “chắp vá”. Điều này dẫn đến hạn chế là thiếu đồng bộ, bất cập từ nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và chất lượng. Ngoài ra, tổ chức cán bộ giáo dục cũng chưa hoàn chỉnh, cho nên chưa chọn được một đội ngũ cán bộ và quản lý giáo dục có chất lượng cao.
“Rất đau đớn là vẫn còn có những người phải đút lót, phải chạy để được đi làm thầy, làm cô. Hay chỉ những người thi được điểm thấp thì mới vào ngành sư phạm”, ông Nhưỡng bức xúc.
Để giải quyết tình trạng dư thừa gần 27.000 giáo viên ở bậc trung học nhưng lại thiếu tới gần 33.000 giáo viên ở bậc mầm non, nhiều địa phương đã đưa số giáo viên dôi dư xuống dạy bậc mầm non. Với giải pháp lấy chỗ thừa “bù” vào chỗ thiếu, rõ ràng tầm quan trọng của giáo dục mầm non chưa được nhìn nhận một cách công bằng và hợp lý.
Còn bất cập nữa theo ông Nhưỡng là việc xã hội hóa hệ thống giáo dục mầm non hiện nay ở một lứa tuổi nhất định thì trường công lập mới nhận, điều này đã đẩy nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất ra hệ thống bên ngoài. Từ đây đã dẫn đến nhiều câu chuyện rất đau lòng và vô cùng khủng khiếp với trẻ.
Thực tế, bậc học đầu tiên trong nền giáo dục lâu nay chưa được xem trọng, chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu. Trong khi giáo dục ĐH thì phát triển quá nhanh, vượt quá xa nhu cầu của xã hội thì các trường mầm non công lập mới đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu gửi trẻ. Riêng lứa tuổi dưới 36 tháng chỉ có 27% trẻ được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục mầm non. Ngoại trừ trẻ 5 tuổi được hỗ trợ để phổ cập, còn bậc học mầm non nói chung cho đến nay chưa được Hiến pháp và pháp luật xác định là một bậc học được ưu tiên đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay (29/5) Quốc hội thảo luận một số dự án luật sửa đổi, bổ sung
06:03, 29/05/2018
Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!
11:00, 25/05/2018
Không để “ăn đong” đề án trong giáo dục
06:00, 25/05/2018
Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp
10:00, 18/05/2018
Gỡ bỏ mọi “rào cản” để phát triển giáo dục mở
18:40, 16/05/2018
Nhà đầu tư "giáo dục" khó nhọc vì chính sách
15:15, 15/05/2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cắt giảm 51.9% điều kiện kinh doanh
13:57, 15/05/2018
Ngành giáo dục cắt giảm "cơ học" điều kiện kinh doanh
05:42, 08/05/2018
Cần nhìn nhận đúng vai trò của giáo viên mầm non
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào taọ, tổng chi hàng năm cho giáo dục mầm non khoảng 11 - 12% tổng chi cho sự nghiệp giáo dục địa phương; định mức chi thường xuyên cho trẻ mầm non đạt bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/năm. Đây là mức chi không tương xứng với vị trí và nhu cầu của giáo dục mầm non, đặc biệt là khi các khoản chi đó chủ yếu là chi lương cho cán bộ, giáo viên, chiếm đến 83%.
Mầm non cũng là bậc học có số lượng phòng học kiên cố thấp so với bậc tiểu học và trung học. Hiện cả nước có gần 173.800 phòng học thì chỉ có gần 115.000 phòng học kiên cố (tỷ lệ 66%); trong khi có đến trên 50.000 phòng học bán kiên cố; trên 8.700 phòng học tạm và đặc biệt còn đến gần 6.600 phòng học nhờ, học mượn. Nhiều địa phương như Đắk Nông chỉ đạt 7%, Kon Tum chỉ đạt 23% phòng học kiên cố…
Chất lượng từ khâu đào tạo cho đến sử dụng cũng ở mức thấp nhất so với các bậc học khác. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giáo dục mầm non luôn có nhiều bất cập. Đào tạo giáo viên mầm non hiện nay rất đa dạng, từ hệ trung cấp đến sau ĐH, chính quy, tại chức, từ xa, liên thông... Nơi đào tạo bao gồm cả trường sư phạm, ngoài sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Điều này dẫn đến tình trạng tuyển sinh ồ ạt và không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hoặc phải đào tạo lại mới sử dụng được. Đáng lo ngại, động cơ chọn nghề của phần đông sinh viên là do không hiểu biết về ngành nghề, thấy điểm tuyển thấp hơn so với ngành khác nên chọn vào hoặc không kiếm được nghề nào khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục mầm non cần có thêm những chính sách để hỗ trợ cho mầm non tư thục, nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của giáo viên mầm non, hỗ trợ lương giáo viên và đầu tư thêm cơ sở vật chất để giai đoạn vàng của trẻ em thực sự được quan tâm, thực sự được dành những gì tốt đẹp nhất.
Đưa ra giải pháp cho ngành giáo dục thời gian tới, ông Nhưỡng cho rằng, cần phải sớm hoàn thiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, đây là hai đạo luật rất quan trọng, là “ngôi nhà” về mặt thể chế để cho pháp quy và đạo lý được trú ngụ, nảy sinh và được nuôi dưỡng trong “ngôi nhà” thể chế này.