Sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí
Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó ông đặc biệt lý giải lý do sinh viên sư phạm phải đóng học phí.
Có thể bạn quan tâm
Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu
10:20, 29/05/2018
Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!
11:00, 25/05/2018
Không để “ăn đong” đề án trong giáo dục
06:00, 25/05/2018
Nhà đầu tư "giáo dục" khó nhọc vì chính sách
15:15, 15/05/2018
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, thời gian qua Luật Giáo dục cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học.
Đặc biệt, chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
“Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm. Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định”. - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông cho biết thêm, sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết đa số thành viên Uỷ ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm.
“Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước”. – ông Bình nói, đồng thời đề nghị cần làm rõ quy định về việc thí điểm chương trình GDPT, thực hiện chương trình giáo dục khác với chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành; về việc sử dụng các tài liệu dạy học song song hoặc thay thế sách giáo khoa…