Người bắt sống tướng De Castries kể chuyện nửa đêm Bác Hồ tới thăm
Nửa đêm, lúc 6 chiến sĩ Điện Biên đang ngủ say, một ông cụ đến bên giường giắt màn cho họ, ông hỏi thăm sức khỏe khiến ai nấy đều rưng rưng.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh là một trong 5 chiến sĩ đã bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã bước sang tuổi 85 và vẫn rất minh mẫn.
65 năm trước, trong lần sinh nhật lần thứ 64 của Bác Hồ, Đại tá Hoàng Đăng Vinh vinh dự được gặp Bác để báo cáo thành tích trong chiến thắng "lừng lẫy 5 châu".
Giới thiệu về căn nhà 4 tầng khang trang ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Đại tá Vinh kể: "Cách đây 2 năm, khi xây ngôi nhà này, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là làm một phòng truyền thống. Trong phòng trước là làm bàn thờ để thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau là lưu giữ hiện vật, tranh ảnh, sách báo về chiến tranh".
Gia đình đã dành hẳn một phòng khoảng gần 20m2 ở tầng 2 để thực hiện nguyện vọng của ông.
Những bức ảnh được Đại tá Vinh đóng khung treo tường và để trong tủ kính xung quanh phòng, khiến cho tầng 2 nhà ông không khác một bảo tàng thu nhỏ.
"Tình cảm với Bác và Đại tướng thì không thể nào nói hết được, làm bàn thờ này xong tôi cảm thấy rất vui sướng", ông Vinh chia sẻ.
Chỉ vào những bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được treo trên tường, Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể, hơn một tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông được thủ trưởng Đại đoàn 312 triệu tập nhận nhiệm vụ mới.
Khi về đến Suối Rút của Hòa Bình, ông được chỉ dẫn vào địa điểm tập trung. Cùng đến đây còn có chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp ở Sư đoàn Công pháo 351; Đại đội trưởng Đại đội 397 Lê Thế Nhân và chiến sĩ Nguyễn Quang Thuận ở trung đoàn pháo cao xạ. Còn 2 người nữa đến sáng hôm sau mới có mặt.
Tập trung đầy đủ, 6 chiến sĩ Điện Biên được thủ trưởng trong Ban chỉ huy Mặt trận thông báo, họ sẽ là những đại biểu về mừng sinh nhật lần thứ 64 của Bác Hồ và báo cáo thành tích với Bác và Trung ương.
“Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ được gặp Bác. Cảm giác thiêng liêng, sung sướng lắm, nhưng tôi cũng sợ vì gặp Bác thì không biết nói thế nào”, ông Vinh xúc động nhớ lại.
Đoàn lên đường và tới chiến khu Việt Bắc lúc trời đã về khuya. Đón đoàn có Tổng bí thư Trường Chinh và các cán bộ Bộ Quốc phòng. Ăn uống xong, các chiến sĩ Điện Biên được bố trí chỗ nghỉ để hôm sau đi gặp Bác.
Đêm đó, người lính trẻ Hoàng Đăng Vinh trằn trọc mãi không ngủ được. Và một điều bất ngờ diễn ra.
“Tôi thấy một cụ già đi vào, tôi không biết là Bác Hồ. Cụ giắt màn cho chiến sĩ rồi đi ra. Bấy giờ tôi mới dám nói: Các anh ơi có cụ già vào giắt màn cho chúng mình, lúc đấy mọi người mới biết và nói 'Bác Hồ đấy'.
Chúng tôi định chạy theo nhưng Bác giơ tay ra hiệu và nói: Biết các chú về, nhưng Bác bận nên bây giờ mới đến thăm các chú một chút, các chú nghỉ đi cho khoẻ”, ông Vinh rưng rưng kể lại khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ.
Sáng 19/5/1954, đoàn đại biểu chiến sĩ Điện Biên lên gặp Bác. Bác và các cán bộ Trung ương đã đứng chờ sẵn ngay dưới cây đa cổ thụ, trước một dãy nhà của cơ quan.
Vừa nhìn thấy Bác, 6 anh em reo mừng và chạy tắt theo lối gần nhất để đến bên Bác. Bác cười nhắc:
- Các chú phải đi đúng đường, để cho các nhà báo còn tác nghiệp chứ!
Vì mừng quá nên cả 6 chiến sĩ chẳng ai để ý đến nhiếp ảnh, quay phim đang hướng ống kính vào đoàn, họ cứ thế đi thật nhanh. Bác cười giang rộng tay đón rồi chỉ:
- Các chú ngồi xuống đây!
Cả 6 chiến sĩ ngồi quây quần xung quanh Bác. Bác lại giục: "Kìa! Các chú ngồi sát vào với Bác!"
Đến lúc này, các chiến sĩ mới quan sát cùng tiếp đoàn còn có bác Tôn, bác Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Cử chỉ ân cần, lời nói giản dị và ấm áp của Bác khiến họ dần dần bình tĩnh và tự tin hơn.
Chưa ai kịp thưa điều gì thì Bác đã hỏi:
- Thế các chú định báo công gì với Trung ương, Chính phủ và với Bác?
Lần lượt các chiến sĩ thưa với Bác về thành tích chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ của cá nhân mình và đồng đội.
Tới lượt ông Vinh, Bác nhắc chuyện bắt sống tướng De Castries và hỏi:
- Sao lúc tướng De Castries giơ tay định bắt tay, chú lại gạt đi và thúc mũi súng vào bụng hắn?
Ông Vinh đứng dậy nói:
- Thưa Bác, cháu nghĩ là mình không thể bắt tay tướng giặc được. Còn cháu thúc mũi súng vào bụng hắn là để "thị uy" thôi ạ! Vì do cháu tức quá trước thái độ hắn ngồi yên, không đứng dậy giơ tay xin hàng theo lệnh của Đại đội trưởng cháu.
Thấy vậy, Bác cười, khen:
- Chú xử sự như vậy là đúng tác phong quân sự lắm! Nếu hôm ấy chú bắt tay, thì chú đã để mất khí thế chiến thắng của quân đội ta!
Nghe mọi người báo cáo xong, Bác nói:
- Chính phủ và Bác rất vui, vì các chú đã lập công trong chiến dịch Điện Biên. Bác khen và sẽ thưởng cho các chú. Nhưng các chú phải khiêm tốn, không được chủ quan, nhiệm vụ của các chú còn rất nặng nề, các chú phải cố gắng hơn nữa, lập công nhiều hơn nữa!
Sau đó, Bác đã thưởng, gắn trực tiếp Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên và Huy hiệu của Người lên ngực áo từng chiến sĩ.
Vì là người trẻ nhất trong đoàn, mới tròn 19 tuổi, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh được Bác gắn huy hiệu trước tiên.
”Vì quá bất ngờ và xúc động, nên trước và sau khi được Bác gắn huy hiệu, tôi cứ đứng nghiêm mà quên làm động tác chào. Bác mỉm cười, ghé vào tai tôi, nói nhỏ:
- Chú Vinh, chào đi!
Lời nhắc của Bác làm tôi như bừng tỉnh, vội vã giơ tay chào Bác, nhưng khi ấy các nhà báo đã bấm máy xong. Cho nên sau này trong các bức ảnh tư liệu Bác Hồ gắn huy hiệu cho các chiến sĩ Điện Biên, chỉ có ông Bạch Ngọc Giáp giơ tay chào, còn tôi đứng cạnh thì... đứng nghiêm”, ông Vinh nhớ lại.
Tối hôm ấy, đoàn được dự buổi liên hoan do Văn phòng Chính phủ tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 64 của Bác Hồ. Tới dự còn có đoàn khách quốc tế. Bác gọi chiến sĩ Vinh lên và chỉ vào chiếc ghế cạnh Bác, cho phép ngồi.
Lúc ông đang định ngồi xuống, thì lại được Bác nhắc nhỏ:
- Chú Vinh chào các vị khách đi chứ!
Ông đứng nghiêm chào Bác và các vị khách quốc tế. Bác quay sang khách quốc tế và nói bằng tiếng Pháp. Ông không rõ Bác Hồ nói gì mà các vị khách đều quay lại nhìn ông, mỉm cười và gật đầu chào rất thiện cảm.
Mặc dù phải đi lại đáp lễ nhiều lần với các vị khách quốc tế, Bác vẫn quan tâm gắp thức ăn vào bát cho từng chiến sĩ trong đoàn và dặn mọi người cứ ăn uống tự nhiên.
Có lúc Bác ngồi xuống gần và hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa của từng người. Bác hỏi ông Vinh:
- Chú Vinh học đến lớp mấy rồi?
Ông thưa với Bác là vì nhà nghèo, lại đông anh em, nên mới chỉ biết đọc, biết viết trước khi vào bộ đội. Bác bảo:
- Hễ có điều kiện là chú phải tranh thủ mà học, có học thì mới phục vụ nhân dân tốt được.
“Lời dạy của Bác đã ăn sâu vào tôi. 65 năm qua, lúc nào tôi cũng nhớ và làm theo lời dạy của Bác, vì thế tôi đã trưởng thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Vinh chia sẻ.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh sinh năm 1935. Tháng 9/1952, ông nhập ngũ thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ông cùng đồng đội trong Đại đội 360 trực tiếp bắt sống tướng Pháp De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu tại các chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh và trên nước bạn Lào.