Học Cụ Hồ xây dựng Chính phủ liêm chính
Khi nói về xây dựng Chính phủ liêm chính thời Cụ Hồ chỉ cần nhắc tới hai vấn đề cơ bản là làm rõ bản chất nhà nước và học tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.
Trong tác phầm "Lề lối làm việc" tháng 10/1947 Bác Hồ từng nói, cán bộ Đảng viên không phải vào Đảng để làm quan phát tài mà để phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho đất nước giàu mạnh, nhân dân được sung sướng.
Theo đó, Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm rất nhiều tới việc xây dựng một nền hành chính công, một Chính phủ liêm chính. Thực tế chứng minh, Bác đã làm được điều này.
Nếu nói về xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước liêm chính thì phải xuất phát từ bản chất nhà nước. Ngay từ khi thành lập Đảng năm 1930, Bác nêu ra một yêu cầu rất cơ bản, sự nghiệp cách mạng của chúng ta là phải cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Đây chính là cơ sở rèn luyện Đảng cách mạng thật sự chân chính, vì đất nước, vì nhân dân. Đến năm 1945 khi Đảng cầm quyền, thì bản chất của Đảng thể hiện trong bản chất của Nhà nước.
Vì thế, trong thư gửi UBND các cấp ngày 17/10/1945, Bác đã nói, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân. Nghĩa là gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Xét về mặt bản chất nhà nước là nhà nước cách mạng phục vụ nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Hồ Chí Minh - nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn
05:00, 19/05/2019
Người bắt sống tướng De Castries kể chuyện nửa đêm Bác Hồ tới thăm
06:50, 19/05/2019
Bác Hồ và “Nghị quyết” đầu tiên về Doanh nhân
11:39, 19/05/2018
Tổng thống Obama thăm Nhà sàn Bác Hồ
13:14, 23/05/2016
Với tư cách là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Bác luôn là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời của Bác, suốt 24 năm là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác đã không có một tài sản gì riêng của mình. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác: “Bác để tình thương cho chúng con, một đời thanh bạch chẳng vàng son, mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Chính lối sống trong sáng, gương mẫu từ việc nhỏ đến việc lớn đã cổ vũ cán bộ Đảng viên thời đó thật sự tận tâm vì đất nước. Bác nhiều lần nói với cán bộ Đảng viên là phải nêu gương, đừng nói một đằng, làm một nẻo. Muốn nói với quần chúng nhân dân những điều tốt đẹp thì mình phải hành động trước, phải sẵn sàng nhận thiệt thòi về mình.
Mỗi giai đoạn lịch sử có sự khác nhau trong xây dựng Chính phủ liêm chính. Việc xây dựng Chính phủ liêm chính hôm nay là nhiệm vụ đầy phức tạp và khó khăn, đặc biệt là vấn đề "nhóm lợi ích".
Thật vậy, đấu tranh chống tham nhũng bây giờ khó khăn, phức tạp hơn trước nhiều lần. Nhưng chúng ta có thể nhìn lại lịch sử, Bác Hồ và Đảng đã rất quyết tâm và xử lý nghiêm khắc cán bộ. Ví dụ vụ cán bộ Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu tham ô tài sản của quân đội và bị xử tử hình năm 1950. Ông Châu đã làm đơn xin Bác giảm nhẹ tội. Mặc dù rất đau đớn nhưng sau một đêm thức trắng, Bác vẫn quyết định y án để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Dưới thời kỳ đó, việc chống tham nhũng rất nghiêm túc nên hầu như không có dấu hiệu nào về tham nhũng. Việc xử lý vi phạm cũng rất nghiêm, bất kỳ cán bộ Đảng viên nào chỉ tham ô vài chục cân thóc, mấy chục đồng bạc đều bị khai trừ Đảng và bị cách chức. Do đó, đạo đức Đảng viên trở nên rất thiêng liêng.
Đến giai đoạn đổi mới hôm nay, tại Hội nghị trung ương 4 khoá XI năm 2012 đã nhận định, chúng ta chưa nhận thức hết được mặt trái của kinh tế thị trường, chưa lường hết và đề ra phương thức quản lý chặt chẽ, minh bạch. Lỏng lẻo trong quản lý đã làm cho một bộ phận cán bộ Đảng viên tha hoá, biến chất. Càng ngày các biểu hiện tham ô, tham nhũng càng tinh vi hơn, cấu kết với nhau giữa những người nắm quyền và nắm kinh tế để bòn rút tài sản của nhân dân, của đất nước. Thậm chí những người nắm kinh tế có thể chi phối quyền lực nhà nước.
Niềm tin của nhân dân đã giúp dân tộc ra vượt qua những thử thách vô cùng lớn lao. Bác đã nói, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nói tới chống tham ô, tham nhũng, ngày xưa ở miền Bắc, anh nào bị xử lý tham nhũng cảm thấy nhục nhã lắm, ra đường cắm mặt xuống đất mà đi. Bây giờ có những người tham nhũng mà mặt cứ nhơn nhơn như không. Thật là một mối lo khi ngày nay người ta đã bình thản với tham nhũng. Trong khi, tham nhũng thực ra chỉ là mỹ từ mà phải nói là ăn cắp, ăn cướp của dân, của nước mới đúng.
Thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quyết liệt chống tham nhũng, xây dựng Chính phủ liêm chính. Hàng chục vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử. Niềm tin của nhân dân vào sự quyết liệt chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ được cải thiện rất lớn.
Tuy nhiên, nhìn vào chống tham nhũng thì thấy, mất của cải vật chất chỉ là một phần, mất niềm tin mới ghê gớm. Chống "tham nhũng vặt" cũng chính là vấn đề đáng phải quan tâm. Đi đâu cũng phải phong bì, cũng phải bôi trơn khiến niềm tin của nhân dân vào các cơ quan chính quyền, cán bộ công chức giảm sút ghê gớm. Từ tham nhũng nhỏ rồi đến lớn, mất nhân cách của cán bộ Đảng viên như vậy là mất cả một thế hệ cán bộ.
Để chống tham nhũng phải siết chặt kỷ luật Đảng và kỷ luật nhà nước. Cùng với đó, chúng ta phải làm tốt công tác cán bộ, phải làm sao để lựa chọn được những cán bộ có trình độ, có đạo đức. Công tác giáo dục cũng phải được tăng cường đối với cán bộ Đảng viên. Bác Hồ đã từng nói, học để làm người trước rồi mới học làm cán bộ.
Đối với vấn đề kiểm soát quyền lực, nếu thiếu giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội thì tham nhũng sẽ khó hạn chế. Bất cứ một cán bộ, một cơ quan nào cũng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nếu không sẽ dẫn đến lộng quyền, lạm quyền.