Đại biểu Nguyễn Hồng Diên: Giữ nguyên chuyên trách, không tăng lãnh đạo
Tôi đồng tình giữ nguyên hoặc tăng đại biểu chuyên trách, nhưng không đánh đồng tăng đại biểu chuyên trách với số lượng lãnh đạo của các cơ quan HĐND.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chiều 24/5.
Sửa luật để khắc phục khiếm khuyết
Ông Diên đồng tình với Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, để giúp giải quyết một vấn đề mà lâu nay chúng ta thường hay nói, đó là chủ trương của Đảng thì có, nhưng thể chế lại không kịp thời. Việc sửa luật này là để thể chế hóa những quan điểm chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 và 7 vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
ĐBQH Nguyễn Hồng Diên: Chính sách còn “nhiêu khê” kéo lùi tốc độ phát triển
15:22, 22/05/2019
ĐBQH Bùi Văn Phương: Ngành giáo dục cần xóa tư duy cái gì cũng sợ!
18:06, 21/05/2019
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần kiểm soát linh hoạt tỷ giá và xăng dầu
09:47, 21/05/2019
ĐBQH cảm nhận về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV
00:00, 20/11/2018
Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức bộ máy của chính phủ cũng như chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua. Và như ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp có nói, mặc dù luật ban hành chưa được lâu, có những luật mới thực hiện 3 năm đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải sửa, đặc biệt sửa theo tinh thần chỉ đạo mới của Trung ương.
Với Luật Tổ chức Chính phủ, ông Diên chỉ quan tâm một điều, theo luật mới sửa thì được giao cho chính phủ được thẩm quyền quy định khung các cơ quan. Trong dự thảo đề cập, chỉ quy định số lượng biên chế tối thiểu và cấp phó tối đa. Nhưng theo ông Diên, cần phải quy định cả tối thiểu và tối đa về biên chế, có như vậy mới quản lý khung các cơ quan. Ví dụ, trong một đơn vị hành chính tối thiểu là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu, còn lại để cho cấp chính quyền địa phương điều chỉnh. “Còn chỉ quy định tối thiểu mà không có tối đa thì sau này rất dễ xảy ra xung đột”, ông Diên cho biết.
Về luật tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi với việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh liệu có được không? Chính phủ đề xuất giảm, còn trong thẩm định của Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì băn khoăn và nghiêng về phương án giữ nguyên.
Ông Diên cho rằng, vấn đề này phải xuất phát từ triết lý chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Ở cấp trung ương thì có Quốc hội, Chính phủ, cấp chính quyền địa phương thì có HĐND và UBND để đảm có sự giám sát thường xuyên theo luật của HĐND. Vì vậy phải làm sao cho thiết chế của HĐND và UBND tương thích và tương đương nhau, nếu HĐND mạnh, UBND yếu và mỏng thì không được.
Vì vậy, ông Diên đồng tình với việc cơ cấu các thành viên ủy ban, là người đứng đầu các sở ngành, cơ quan nội thuộc. Còn để HĐND mạnh thì cũng phải căn cứ số dân, số đơn vị hành chính, đặc thù của đơn vị hành chính đấy nữa để quy định số lượng thành viên. “Với cơ cấu đại biểu, tôi đồng tình tăng đại biểu chuyên trách, nhưng không đánh đồng tăng đại biểu chuyên trách với số lượng lãnh đạo của các cơ quan HĐND”, ông Diên nói.
Giảm cấp phó là cần thiết
Trao đổi về việc nên để hai phó chủ tịch HĐND cấp huyện, hai phó HĐND cấp tỉnh hay một, ông Diên cho rằng, thực tiễn cho thấy, theo luật cũ chỉ có chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên thường trực là thường trực HĐND. Nhưng theo luật hiện hành, thường trực HĐND bao gồm: chủ tịch, các phó chủ tịch, các trưởng ban và Chánh văn phòng HĐND.
Như vậy, cũng đã có từ 7 đến 9 người, nhưng bây giờ cơ cấu thêm 2 phó chủ tịch HĐND, 3 – 4 trưởng các ban, có nơi 5 vì thêm ban dân tộc. Với số lượng nhân sự như vậy liệu có cần thiết hay không, trong khi thẩm quyền của HĐND quy định cũng không cụ thể, gần như không có việc gì ngoài đi giám sát theo nghị quyết của HĐND. “Do đó, giảm số lượng cấp phó chủ tịch cấp tỉnh và huyện là cần thiết, vì có giảm một người thì thường trực vẫn còn tới 6 -7 người, và ít nhất cũng là 5”, ông Diên cho biết.
Từ thực tiễn địa phương, theo ông Diên, nếu cơ cấu các ban HĐND cấp tỉnh phải có ít nhất 3 đại biểu chuyên trách thì ủng hộ, nhưng quy định phải có 3 lãnh đạo, với 1 trưởng 2 phó mà đều là chuyên trách thì rất lãng phí. Ông Diên đồng tình với đề xuất của chính phủ giảm số lượng cấp phó ở HĐND cấp tỉnh, huyện, giảm phó trưởng ban ở cấp tỉnh và cho rằng như vậy là cần thiết. Còn giữ nguyên số đại biểu chuyên trách ở mỗi cấp để đảm bảo số đại biểu này toàn tâm, toàn ý với công việc.