Cần hành động cương quyết để cắt đứt “đường lưỡi bò”!

Bảo Lam 15/05/2020 06:00

Việt Nam cần hành động cương quyết, cắt đứt "đường lưỡi bò" trên hai mặt trận, truyền thông và thực địa.

Thông tin lãnh đạo Công ty Bayer Việt Nam (Bayer Việt Nam) chia sẻ tài liệu với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc - Chia sẻ bởi Michelle Han” có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp lại hâm nóng dư luận.

Tài liệu này được chia sẻ vào ngày 27/4/2020, bởi email cá nhân của bà Lynette Moey Yu Lin - Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam. 

Tài liệu lưu hành nội bộ của Công ty Bayer Việt Nam có kèm bản đồ

Tài liệu lưu hành nội bộ của Công ty Bayer Việt Nam có kèm bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp.

Theo phản ánh của các nhân viên thuộc Văn phòng Bayer Việt Nam, việc chia sẻ các file tài liệu đến từ các quốc gia trên thế giới là việc mà bà Lynette Moey Yu Lin thường xuyên duy trì trong quá trình làm việc. Nhưng đây là lần đầu tiên mà bà Lynette Moey Yu Lin chia sẻ một tệp tài liệu có chứa nội dung phi pháp như vậy.

Và, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền ra bên ngoài để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông một cách phi pháp, thì hành vi này được cho là cố ý xúc phạm và mang tính chất phản động.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên "đường lưỡi bò" xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, việc “tuyên truyền” cho “đường lưỡi bò” đã diễn ra ở nhiều họat động khác khi người ta phát hiện những nội dung tương tự bị lợi dụng lồng vào trong các tài liệu, ấn phẩm văn hóa, du lịch.

Chẳng hạn, tháng 3/2018, phim Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ đã từng khiến dư luận bức xúc bởi trong phim có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài, liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là "South China Sea". Sau khi gây bức xúc trong dư luận, bộ phim này vẫn được phê duyệt và công chiếu rộng rãi.

Hoặc, tháng 10/2019, chúng ta liên tục phát hiện các ấn phẩm văn hóa chứa bản đồ  “đường lưỡi bò”. 

Điển hình như phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng DreamWorks của Hollywood.

Hay khi vụ Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist) phát cho khách những ấn phẩm du lịch có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp chưa lắng, thì ban tổ chức chương trình Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019 - VMS 2019) lại hâm nóng dư luận khi biết có bản đồ “đường lưỡi bò” nhưng vẫn mang xe Volkswagen Touareg trưng bày.

Nghiêm trọng hơn, “đường lưỡi bò” còn xuất hiện cả trong cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ (Hà Nội).

Đáng chú ý, cuốn giáo trình này đã được dùng làm tài liệu học tập và giảng dạy vài ba năm nay, gần đây khi sinh viên nghiên cứu mới phát hiện ra.

Hồi tháng 11/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc phát hiện bản đồ 'đường lưỡi bò' trong phần mềm theo dõi vận hành điện mặt trời ở phía Nam.

Theo EVN, sự việc trên là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Tháng 4/2020 vừa qua, dư luận khá bàng hoàng khi thông tin Công ty TNHH liên hợp đầu tư Thâm Việt trong quá trình xây dựng, đầu tư KCN An Dương (Hải Phòng) đã lập mô hình giống “đường lưỡi bò” trong vị trí quy hoạch công viên cây xanh.

Ngay sau đó ít ngày, thông tin về Ceo của Bayer Việt Nam chia sẻ một tài liệu với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc - Chia sẻ bởi Michelle Han” có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp lại khiến cộng đồng người Việt dậy sóng.

Có thể thấy, những chiêu trò núp bóng văn hóa như thế không chỉ dừng lại trong phim ảnh, mà còn xuất hiện cả trong các ấn phẩm nghiên cứu khoa học, tài liệu khoa học…, thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Tất cả đều đã được Bắc Kinh tìm cách lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”..v..v. Và những câu chuyện trên chỉ là quá trình cố gắng hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của mình.

Cần nhắc lại, “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Khi vấp phải phán quyết của PCA bác bỏ tính pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn” đồng thời lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông thì Trung Quốc đã buộc phải thay đổi chiến lược của mình. Theo đó, Trung Quốc đã không còn công khai nhắc đến yêu sách “đường 9 đoạn” trên truyền thông quốc tế như trước đây.

Thay vào đó, việc tuyên truyền về “đường 9 đoạn” và những tuyên bố chủ quyền sai trái khác của Trung Quốc được nước này thực hiện một cách tinh vi hơn thông qua các hình thức kín đáo hơn như lồng ghép trong các tác phẩm văn hóa mà nước này truyền bá ra thế giới.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, không chấp nhận Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: "đường lưỡi bò" ở Biển Đông của Trung Quốc vô lý và phi pháp. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn âm thầm thực hiện ý đồ của mình qua nhiều hành động, cài cắm hình ảnh rất tinh vi vào các sản phẩm, ấn phẩm, hàng hoá... 

Bình luận về vấn đề này, Ths. Hoàng Việt - thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhấn mạnh, sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp trên các thiết bị, ấn phẩm, hàng hóa không phải là ngẫu nhiên. Đó là chiến lược của Trung Quốc nhằm tuyên truyền sai trái về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế.

"Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng tuyên truyền về "đường lưỡi bò" phi pháp trên nhiều sản phẩm, nhiều lĩnh vực khác nhau", vị chuyên gia cảnh báo.

"Cơ quan quản lý nên có một hướng dẫn, quy định rõ ràng trong vấn đề này. Khuyến khích người dân rà soát, nhanh chóng phát hiện và thông báo đến cơ quan chức năng, sớm ngăn chặn hoạt động tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc", ông Việt nói.

Thực tế, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị, hàng hóa của Trung Quốc. Không chỉ người dân, thậm chí nhiều cơ quan Nhà nước cũng sử dụng thiết bị, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, nguy cơ xuất hiện "đường lưỡi bò" phi pháp cũng vì thế mà tăng lên. Điều này khiến dư luận cảm thấy lo ngại.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, cần phải có một cuộc tổng rà soát các thiết bị, hàng hóa Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, nếu về lâu về dài chúng ta rất khó có thể ngăn chặn hết được.

"Theo tôi, cơ quan nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những công bố, hướng dẫn người dân cảnh giác đối với sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp trên các thiết bị, hàng hóa của Trung Quốc.

Sau công bố này, cơ quan nào không thực hiện rà soát, kiểm tra mà để "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Ngược lại, cũng có chế độ trao thưởng đối với các cá nhân, tổ chức phát hiện ra thông tin tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc lập ra một đội ngũ chuyên đi tìm kiếm. Bởi mỗi người dân, mỗi công ty, mỗi cơ quan nhà nước đều là những "chiến sĩ" tham gia vào mặt trận chống lại âm mưu của Trung Quốc", Ths. Hoàng Việt đề xuất.  

Ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, đã ký giấy mời mời bà Lynette Moey Yu Lin – Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam (gọi tắt Bayer Việt Nam) đến văn phòng Sở làm việc trong tuần này.

Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đề nghị bà Lynette Moey Yu Lin cung cấp hồ sơ, tài liệu về nội dung tệp tin “China Sharing – Michelle Han” mà bà đã cung cấp, truyền đi từ email của bà gửi đến các nhân viên đang làm việc tại Văn phòng Bayer Việt Nam trong ngày 27/04/2020.

Dự kiến, buổi làm việc sẽ diễn ra lúc 14h ngày hôm nay (15/5/2020).

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ cập nhật thông tin nội dung buổi làm việc này.

Có thể bạn quan tâm

  • Ceo Bayer Việt Nam bị mời làm việc vì phát tán “đường lưỡi bò” phi pháp

    14:00, 14/05/2020

  • Bayer Việt Nam, đường lưỡi bò và sự sơ suất đến… vô lý!

    15:55, 11/05/2020

  • Vì sao Hải Phòng không biết việc xây dựng “đường lưỡi bò” trong KCN?

    05:05, 30/04/2020

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp Trung Quốc lập mô hình giống “đường lưỡi bò” trong KCN

    00:20, 29/04/2020

  • Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và loại bỏ hình ảnh “đường lưỡi bò”

    17:33, 17/12/2019

  • “Đường lưỡi bò” liên tiếp xuất hiện: Đừng chủ quan, hãy hành động ngay!

    02:02, 11/11/2019

  • CGV, trách nhiệm xã hội & đường lưỡi bò

    09:21, 10/11/2019

  • Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò”  

    17:06, 06/11/2019

Bảo Lam