Tư tưởng Hồ Chí Minh là “ngọn đuốc” soi đường cho dân tộc vững bước tương lai
Tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là “ngọn đuốc” soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc (1951). (Ảnh tư liệu)
Tâm nguyện của Hồ Chí Minh về “một nền hoà bình chân chính, xây trên công bình và lý tưởng dân chủ, phải thay cho chiến tranh; tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước, không phân biệt chủng tộc và màu da” đã không chỉ thể hiện khát vọng của nhân dân Việt Nam, mà còn trở thành ước nguyện của tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.
Xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng của Người, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất được thể hiện rõ trong mọi thời điểm, trên mọi diễn đàn.
Với khát vọng cháy bỏng đó, Người đã xác định cho mình con đường sang các nước Phương Tây với mục đích muốn tìm hiểu cho rõ những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”: “Tôi phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đỡ đồng bào tôi”.
Không chỉ bôn ba tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội không chỉ dừng lại ở việc gửi bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, Hồ Chí Minh đã tìm đường về gần Tổ quốc.
Tâm huyết, nỗ lực của Người với việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước, huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, ra báo Thanh niên, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa quần chúng ra đấu tranh cách mạng… Và những điều kiện về “vật chất và tinh thần” cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi “kiếp bị đọa đày đau khổ” đã chín muồi.
Cuộc chiến tranh Pháp - Việt đã nổ ra, phải sau 9 năm (1946-1954) đầu rơi, máu chảy, phải sau chiến thắng Điện Biên phủ lịch sử của nhân dân Việt Nam, hoà bình mới được lập lại ở Đông Dương bằng Hiệp định đình chiến được ký tại Giơ-ne-vơ, ngày 21-7-1954.
Sau này, chính Giăng Xanh-tơ-ny - người đối diện với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thừa nhận: “Người Pháp đã cố tình không hiểu thiện chí hoà bình của Hồ Chí Minh, đã cố tình phá vỡ hoà đàm Phông-ten-nơ-blô và đó thực sự là một “nền hoà bình bị bỏ lỡ”.
Tuy vậy, miền Bắc được giải phóng, nhưng ở miền Nam, lửa vẫn cháy và máu vẫn chảy, nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Thế là, cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Phát huy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vượt mọi khó khăn, gian khổ, nhân nguồn sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Quyết tâm đấu tranh cách mạng với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với niềm tin tất thắng “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam sau 21 năm (1954-1975) đã giành được thắng lợi trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cả nước Việt Nam đã hòa bình, độc lập, thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, làm thỏa lòng mong ước của Người.
Đáng chú ý, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động sau những năm dài chiến tranh. Người còn nói: “Chính phủ là công bộc của dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”. Người cùng Đảng và Chính phủ đã làm để mang lại cho nhân dân Việt Nam một đời sống vật chất, và tinh thần ngày càng phong phú.
Bằng những nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng, kiến thiết đất nước, nước ta từ một xứ thuộc địa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững… Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Có thể nói, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản vĩ đại. Người đã khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của toàn thể dân tộc và biểu hiện cao nhất đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Bây giờ, mọi thế hệ lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ (nhất là thế hệ chuyển giao từ Đại hội XIII tới đây) càng phải thấm nhuần tư tưởng của người. Bởi, đất nước phát triển, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đã chứng tỏ, tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
12:29, 18/05/2020
"Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng Việt Nam"
10:46, 18/05/2020
“Thế hệ chuyển giao” phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh
06:00, 18/05/2020
Nghệ An tổ chức nhiều sự kiện quan trọng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
18:52, 17/05/2020
Thủ tướng dự khánh thành Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh
19:01, 16/05/2020
Phát hành bộ tem Kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh
15:25, 16/05/2020
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ
05:30, 07/05/2020
Bác Hồ với kinh tế thị trường và doanh nghiệp tư nhân
05:00, 25/01/2020
Bác Hồ với nghệ thuật dùng người
12:43, 31/08/2019
Nhớ Bác - Nghĩ về kiến trúc Hà Nội hôm nay
15:00, 18/05/2020