Các nước cần đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình và an ninh ở Biển Đông

LAM SONG 11/06/2020 21:26

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hằng: Các nước cần đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình và an ninh ở Biển Đông

Ngày 11/6, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, bình luận về thông tin Trung Quốc đang xây dựng hệ thống cáp ngầm nối các điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm trái phép, Nguời phát ngôn Bộ Ngọai giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định: "Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị".

“Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông” - bà Hằng nói.

Liên quan đến câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ gửi thư tới Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 3/6 vừa qua, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc".

"Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Cộng đồng quốc tế cũng như Liên hợp quốc coi trọng việc các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”. - bà Hằng khẳng định.

Trước đó, phần mềm theo dõi tàu và vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc có thể đang đặt các dây cáp ngầm dưới biển nối các đảo ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Những hình ảnh ghi nhận được thông qua vệ tinh thương mại có độ phân giải cao.

Theo trang tin BenarNews, tàu Trung Quốc có thể đã bắt đầu hoạt động đặt cáp ngầm phi pháp ở Hoàng Sa cách đây hai tuần sau khi khởi hành từ xưởng đóng tàu ở thành phố Thượng Hải. BenarNews đưa ra thông tin này dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải cao.

Một số chuyên gia hàng hải phân tích hình ảnh vệ tinh và nhất trí rằng tàu Trung Quốc Tian Yi Hai Gong đang tiến hành hoạt động gì đó liên quan đến cáp ngầm, theo BenarNews. Tuy nhiên, họ không thể xác định cụ thể tàu Trung Quốc đang có động thái gì nếu chỉ dựa vào hình ảnh vệ tinh.

Các chuyên gia đưa ra giả thuyết tàu Trung Quốc lắp đặt cáp ngầm mới hoặc sửa chữa/nâng cấp cáp ngầm hiện hữu. Tuy nhiên, giới chuyên gia không nắm thông tin khu vực mà tàu Tian Yi Hai Gong đang hoạt động có sẵn một mạng lưới cáp ngầm hay không.Phần mềm theo dõi tàu cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong di chuyển đến Hoàng Sa vào ngày 28.5.

Còn hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu này dường như có thể đang đặt cáp ngầm giữa ba đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp là Đảo Cây, Đảo Bắc và Đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa.

Tàu Trung Quốc di chuyển về phía tây nam hôm 5/6, ghé vào Đảo Duy Mộng, Đảo Ba Ba, Bãi Xà Cừ tại Hoàng Sa. Đến ngày 8/6, tàu Tian Yi Hai Gong hoạt động ở phía đông bắc Bãi Xà Cừ.

Hiện vẫn chưa rõ mục đích cụ thể đằng sau động thái này của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bom nợ” Trung Quốc sắp phát nổ?

    16:10, 11/06/2020

  • Trung Quốc muốn lật ngược luật pháp quốc tế: Không dễ!

    06:20, 10/06/2020

  • Loạt “bom tấn ngoại giao” dành cho Trung Quốc ở Biển Đông

    06:00, 08/06/2020

  • Trung Quốc cần “bờ vai châu Âu” trong cuộc chiến với Mỹ

    06:45, 06/06/2020

LAM SONG