Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ triển khai các sáng kiến của Việt Nam

Theo TRẦN KHÁNH/VOV.VN 24/06/2020 10:35

ASEAN vẫn phải thực thi nhiệm vụ kép vừa phòng chống Covid-19, vừa phải triển khai được những gì đã đặt ra để xây dựng Cộng đồng chung.

Đây là nhận định được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí về một số nội dung xoay quanh những ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và những thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng (phải) trả lời phỏng vấn của báo chí.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng (phải) trả lời phỏng vấn của báo chí.

Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới những chương trình nghị sự và hoạt động mà Việt Nam đã đề ra trong năm nay? Việt Nam đã thực hiện vai trò chủ động dẫn dắt liên minh khối của mình vượt qua đại dịch trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Việt Nam bắt tay vào chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 từ đầu năm 2019 và khi đó thế giới không có khái niệm gì về Covid-19. Tất cả những gì Việt Nam chuẩn bị đến lúc xảy ra dịch Covid-19 đều bị đảo lộn. Điều này buộc chúng ta phải tính đến chuyện thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Một khó khăn nữa là khi xảy ra dịch Covid-19, các nước đều tập trung vào ứng phó với dịch trước. Do vậy, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam, dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển trọng tâm hợp tác ASEAN từ chỗ thiên về thực hiện những công việc bình thường, chuyển sang ứng phó với dịch Covid-19.

Việt Nam đã kịp thời chuyển chương trình lẫn trọng tâm của ASEAN trong năm 2020 sang chống dịch Covid-19 và được sự hưởng ứng của các nước. Ngay từ đầu tháng 2, trước khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, Việt Nam đã đề nghị trao đổi cùng với các nước ASEAN để ra một tuyên bố của Chủ tịch ASEAN.

Ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã trao đổi với lãnh đạo của các nước và ra tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19. Cùng với đó, ASEAN hình thành một cơ chế điều phối công tác phòng chống dịch Covid-19, giao Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN triển khai; đồng thời có nhóm công tác cấp thứ trưởng về ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.

Ngày 14/4 vừa qua, Cấp cao ASEAN đã thông qua các biện pháp cụ thể mà nhóm công tác này trình lên. Qua đó, ASEAN đã huy động được sự thống nhất trong khối để ứng phó với dịch Covid-19 một cách hiệu quả.

Việt Nam chọn chủ đề ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Yếu tố gắn kết và chủ động thích ứng đã được thể hiện như thế nào ở chương trình nghị sự trong bối cảnh dịch Covid-19?

“Gắn kết” không chỉ là đoàn kết, thống nhất mà phải có sự hợp tác rất cụ thể; đồng thời phải tăng cường gắn bó về lợi ích, tạo ra chất keo dính để gắn bó với nhau.

Thời gian qua, chỉ riêng công tác phòng, chống Covid-19 đã cho thấy chất keo dính chính là nhu cầu về hợp tác với nhau. Cụ thể ở những công việc như: Bảo hộ công dân; chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ nhau về các phương tiện, trang thiết bị…

“Chủ động thích ứng” là khi có chuyện xảy ra, các thành viên ASEAN lập tức họp và đề ra biện pháp phối hợp chặt chẽ để ứng phó với Covid-19 một cách hiệu quả nhất.

Khi chúng ta còn chưa biết đến bao giờ dịch Covid-19 sẽ kết thúc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao các cấp Bộ trưởng và cấp SOM xây dựng kế hoạch phục hồi, làm sao để giảm thiểu những tác hại từ ảnh hưởng của dịch; đồng thời từng bước phục hồi lại toàn bộ các mặt, các trụ cột công tác của ASEAN.

Tới thời điểm này, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trong nửa chặng đường tiếp theo, Việt Nam sẽ dự định triển khai những nội dung gì để tiếp tục thúc đẩy các chủ đề năm nay, thưa ông?

Nửa chặng đường đã qua, ASEAN buộc phải tập trung khá nhiều công sức cho việc ứng phó với dịch Covid-19. Nhưng ASEAN không quên triển khai những kế hoạch, những sáng kiến đề ra ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, trong 6 tháng còn lại, công việc còn rất nhiều và có lẽ sẽ phải tập trung nhiều công sức hơn nữa cho việc triển khai các sáng kiến mà Việt Nam đã đề ra.

Như vậy, có thể nói ASEAN phải thực thi nhiệm vụ kép, một mặt là không quên việc phòng, chống Covid-19 và phục hồi lại nền kinh tế, các mặt xã hội của ASEAN nhưng đồng thời phải triển khai được những gì ASEAN đã đặt ra trong năm để xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác của ASEAN với các nước khác.

Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nhấn nổi bật nhất của Hội nghị ASEAN cấp cao 36 lần này?

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ tập trung vào việc quan trọng nhất là ứng phó với Covid-19 và phục hồi lại các hoạt động bị ảnh hưởng từ đại dịch.

Cùng với đó là triển khai các sáng kiến của Việt Nam, trong đó phải hoàn thành ngay việc kiểm điểm giữa kỳ đến năm 2025, xây dựng các kế hoạch để có được tầm nhìn ASEAN sau 2025, đồng thời có các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hình ảnh của ASEAN.

Việt Nam đã đưa ra đề nghị tăng cường treo cờ ASEAN ở khắp nơi, sử dụng ASEAN ca và có đường đi riêng của ASEAN ở các sân bay. Điều này không đơn giản bởi luật của các nước khác nhau. Do đó, hiện nay, các nước cũng đang phải điều chỉnh để có thể thực hiện được sáng kiến này của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3: Hỗ trợ DNNVV cùng các ngành dễ bị tổn thương

    18:17, 04/06/2020

  • Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN: Chủ động ứng phó đại dịch COVID-19 

    17:43, 04/06/2020

  • Vận hội trong năm Chủ tịch ASEAN

    05:04, 01/05/2020

  • Xuất khẩu cá tra sang ASEAN "thăng trầm" theo diễn biến dịch COVID-19

    02:30, 30/04/2020

  • Tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản: Ngăn chặn đình trệ hoạt động kinh tế

    15:26, 22/04/2020

  • Khơi thông thêm dòng vốn vào cơ sở hạ tầng bền vững khu vực ASEAN

    01:00, 10/04/2020

Theo TRẦN KHÁNH/VOV.VN