Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người “khơi mào” cho cuộc chỉnh đốn Đảng
Trong hơn nửa nhiệm kỳ của mình, Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần vào hồi 02 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội. Sự ra đi của Bác đã để lại nhiều nỗi tiếc thương trong lòng nhân dân.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001), cũng như trong suốt cuộc đời hoạt động, đồng chí Lê Khải Phiêu luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản vì nước, vì dân.
Nhìn lại công cuộc xây dựng Đảng với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cũng đã chỉ ra sai lầm, khuyết điểm mà nguyên nhân chính là do chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Khiếm khuyết này xuất phát từ công tác tư tưởng và công tác cán bộ.
Đặc biệt, Đại hội VI chỉ ra việc chúng ta say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế nên dẫn đến sai lầm, đưa đất nước vào khủng hoảng trầm trọng vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Và Đảng cũng trong tình trạng ấy, cũng có những khuyết điểm như thế, nhưng rất may cho Đảng ta là đã kịp thời nhận ra khuyết điểm.
Vì thế, chúng ra đã tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếc rằng cuộc vận động theo tinh thần nghị quyết đề ra cũng chưa đạt yêu cầu. Sau này, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đã ký Nghị quyết Trung ương 11 lần 2 khóa VIII trả lời rằng: Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của con bệnh gia tăng.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nêu rõ, thách thức đối với Đảng ta, dân tộc ta qua các thời kỳ của cách mạng thì lúc nào, giai đoạn nào cũng có, mức độ ở từng thời kỳ khác nhau
Và thử thách lớn nhất chính là bản thân Đảng: Những cái yếu kém, khuyết điểm, nhược điểm nổi lên là bản lĩnh, năng lực và phẩm chất, phương thức lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tham quyền, nhóm lợi ích.
Rồi, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự lõng lẽo trong chấp hành các nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng: tự phê bình và phê bình, tập trung và dân chủ…
Tình hình đó nói lên sức chiến đấu của Đảng đang giảm sút, lòng tin của dân đối với Đảng ngày một phai nhạt. Những tồn tại, yếu kém đó, mặc dầu đã đấu tranh nhiều lần ở trong Đảng nhưng vẫn chưa khắc phục được.
Theo đó, Trung ương Đảng đã nỗ lực để ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Một trong những biện pháp cốt lõi để phát huy và mở rộng dân chủ cơ sở là thông qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng cho rằng “thực hiện dân chủ ở cơ sở phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị… Tổ chức đảng và hệ thống chính trị yếu kém thì không thể nói gì đến dân chủ đúng hướng. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng ở ngay tại cơ sở mà tổ chức đảng, bộ máy chính quyền lại xa dân tới mức quan liêu, thậm chí dùng quyền lực ức hiếp nhân dân, tự đặt ra những quy định phiền hà dân”- (Trả lời phỏng vấn Báo Người lao động, số Xuân Kỷ Mão, 1999).
Có thể thấy, trong 3,5 năm làm Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu là con người rất chịu khó, rất cầu thị để tiếp cận vấn đề mới. Đáng quan tâm nhất trong hơn nửa nhiệm kỳ của mình, ông đã tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Việc này được nhiều chuyên gia nhận định là người đặt nền móng cho công cuộc chỉnh đốn Đảng, diệt trừ tham nhũng.
Với những gì mà cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã làm được, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương nói rất ấn tượng về vị Tổng tư lệnh Đảng một thời, rằng: “Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình – tôi ấn tượng về điều này khi thấy Tổng Bí thư quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới gắn với tiền, hàng, cơ chế thị trường.”
Ông cha ta nói: Mất niềm tin là mất hết! Nếu lòng tin nơi muôn dân bị đánh cắp, thật không còn gì nguy hiểm hơn, sinh tử hơn... để mà bàn nữa! Vì, nếu mất nước, dân ta có thể lấy lại được, nhưng lòng tin của nhân dân với thể chế bị đánh cắp, thì nhãn tiền quả báo, khó cứu nổi họa suy tàn đối với quốc gia!.
Chính vì vậy, sẽ không quá khi nói cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người “khơi mào”, đặt nền móng cho công cuộc chỉnh đốn Đảng và diệt trừ tham nhũng. Tư tưởng đó đã truyền đi thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt với sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần
08:42, 07/08/2020
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Chỉnh đốn Đảng phải làm từ trên trước
00:00, 30/12/2011
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Không nhiều Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam làm được như FLC
00:00, 04/04/2015