Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang thăm chính thức Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước lẫn quốc tế.
Bởi nó mang ý nghĩa lớn không chỉ đối với quan hệ song phương đó là thể hiện Nhật Bản luôn dành sự tôn trọng và sự tin tưởng lớn nhất đối với Việt Nam, mà còn là một thông điệp về hợp tác quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài kể từ khi ông chính thức thay cựu Thủ tướng Abe Shinzo hồi giữa tháng 9.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Về Việt Nam
Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam, đã và đang là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong bốn nước trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng – “bộ tứ kim cương”, mà Hoa Kỳ vừa mời Việt Nam tham gia cùng.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh quốc gia, thể chế chính trị, môi trường đầu tư chính là một trong những yếu tố đầu tiên để thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam là quốc gia đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đó.
Tại Việt Nam, Chính phủ và các ban ngành luôn nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường trong sạch để doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, và ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý.
Đặc biệt, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là ứng phó có hiệu quả với đại dịch COVID-19, đồng thời cũng là một trong số ít quốc gia tại khu vực vẫn duy trì được nền kinh tế phát triển dương và có nhiều triển vọng sau đại dịch.
Còn Nhật Bản
Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất của mình để tránh quá phụ thuộc vào một, hai thị trường.
Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi ra nước ngoài, xu hướng này cũng mang lại nhiều cơ hội cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Bằng chứng là trong 30 công ty Nhật hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỉ yen (223,28 triệu USD) của chính phủ vừa qua đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hướng về Đông Nam Á, có một nửa đã nhắm tới Việt Nam.
Ngoài ra, theo Chánh Văn phòng Nội các Kato, Thủ tướng Suga và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhấn mạnh hợp tác cho hàng loạt cuộc họp và sự kiện liên quan tới Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng tới.
Một con số thống kê khác, công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hồi tháng 7 vừa qua, trong tổng số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên bày tỏ nguyện vọng muốn dịch chuyển một phần hay toàn bộ sản xuất của họ sang khu vực Đông Nam Á, có tới 15 doanh nghiệp Nhật Bản, tức là 50%, muốn lựa chọn Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam và Đông Nam Á là lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì vậy, bản thân chuyến thăm đã là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp của cả hai nước tăng cường hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới. Và hy vọng sau chuyến thăm, số doanh nghiệp Nhật Bản muốn vào Việt Nam sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Hai Thủ tướng tiến hành hội đàm ngày 19/10. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nâng tầm quan hệ Việt – Nhật
Giới quan sát cho rằng việc ông Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên phản ánh thực tế Thủ tướng Nhật đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
“Điều quan trọng nhất là Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị chặt chẽ trong rất nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác tối quan trọng và chiến lược đối với Nhật Bản trong tương lai, đồng thời việc củng cố, tăng cường mối quan hệ sẽ góp phần mang lại sự phát triển và lợi ích quốc gia cho cả hai nước” - Ông Nishitohge Yasuo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, Việt Nam hiện giữ vai trò chủ tịch ASEAN, đồng thời là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam và Nhật Bản cũng là những nước chủ trương và tích cực tham gia vào các thể chế kinh tế quốc tế nhằm tạo thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chính vị tân Thủ tướng Nhật Bản còn nhấn mạnh rằng ông rất coi trọng mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chuyến thăm sẽ đẩy mạnh hợp tác cả về kinh tế lẫn văn hóa, giáo dục, kỹ thuật.
Vì vậy, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tiên lý tưởng để tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định chính sách hay đưa ra các sáng kiến mới nhằm tăng cường liên kết, hợp tác của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á, với ASEAN, và rộng hơn nữa là với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà chính Nhật Bản là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng liên kết này từ năm 2007.
Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị cấp cao khác mà Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN 2020, sẽ là nước chủ trì.
Ngoài ra, chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước không chỉ rà soát lại hồ sơ quan hệ song phương. Khi mà cả Việt Nam và Nhật Bản một mặt vừa tiếp tục ứng phó với đại dịch, vừa phải khôi phục và duy trì đà phát triển kinh tế.
Quan trọng hơn, đó là việc lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi để thống nhất những định hướng phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện này trong những năm tiếp theo, từ quan hệ chính trị – ngoại giao, quốc phòng – an ninh, kinh tế, văn hóa giáo dục, nguồn nhân lực…
Vì lẽ đó, người dân và doanh nghiệp hai nước đều trông chờ những kết quả tốt đẹp và tích cực của chuyến thăm sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, giúp phát triển kinh tế đất nước cho cả 2 quốc gia.
Một điểm đáng chú ý nữa, các nhà lãnh đạo đều đề cập đến vấn đề Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Tưu trung lại, tác dụng lan tỏa của chuyến thăm phần nào thấy rõ về mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản, và vị thế, niềm tin của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tức là nó không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương và ở tầm khu vực, mà sự lan tỏa đó sẽ còn lớn hơn thế.
Có thể bạn quan tâm
"Việt Nam +1" và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản
14:00, 19/10/2020
Thủ tướng Nhật Bản: Việt Nam đóng vai trò trọng yếu và là địa điểm thích hợp nhất
12:05, 19/10/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản
11:01, 19/10/2020
Tân Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
07:00, 18/10/2020
Việt Nam - Nhật Bản: Nâng tầm quan hệ chiến lược
05:00, 01/10/2020