Thế nào là sự tử tế ?
Chuyện tử tế là bộ phim để đời của đạo diễn Trần Văn Thủy, phim từng khiến ông 'lên bờ xuống ruộng', nhưng cũng từng mang cho ông vinh quang...
Đây là bộ phim tài liệu có sức sống dai dẳng kỳ lạ bởi sau 30 năm, người ta vẫn không ngừng nhắc về nó.
Chuyện tử tế được làm năm 1985. Nhưng tới năm 1987, sau vô vàn kiểm duyệt, cấm đoán, bộ phim mới đến được với công chúng.
Bộ phim đã đặt ra một câu tưởng chừng rất đơn giản nhưng không dễ trả lời với cả nhân loại, chứ không riêng gì với người Việt Nam: "Thế nào là sự tử tế?".
“Con người ta mỗi một đoạn lại giác ngộ ra một điều. Mình chẳng thể nào đoán trước được ở tuổi đó mình sẽ ngộ ra điều gì. Nhưng thống nhất trong suốt cuộc đời chính là đạo lý làm người
Đạo diễn Trần Văn Thủy
"Thế nào là sự tử tế?"
Với xã hội Việt Nam thời điểm năm 1985, câu hỏi này là điều gì đó rất nực cười, mỉa mai, xa vời ở vào thời xã hội hậu chiến và mô hình xã hội bao cấp, hợp tác xã vốn dĩ quá phức tạp.
Nhưng câu hỏi đó có tác dụng làm thức tỉnh lương tri con người.
30 năm tròn bộ phim được chiếu, kỳ lạ thay người ta càng nhắc nhiều hơn về chuyện tử tế. Đã có nhiều tỉnh thành kỷ niệm 30 năm bộ phim Chuyện tử tế được công chiếu.
Đây là chuyện hi hữu vì hiếm có một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật nào ở Việt Nam được nhân dân kỷ niệm như vậy.
Cuối các cuộc giao lưu, người ta đều hỏi tôi: Thưa ông, 30 năm trước làm phim Chuyện tử tế, so với xã hội bây giờ và ngày ấy, ông có thấy tử tế hơn không? Tôi ngộ ra người ta tổ chức buổi gặp gỡ không phải vì phim, vì tác giả, tác phẩm, mà vì cuộc đời có kết quả bất ngờ...
Đạo diễn Trần Văn Thủy
Tử tế thôi chưa đủ
Trong các liên hoan phim tài liệu, các chương trình chiếu ra mắt phim được tổ chức tại Hãng phim Tài liệu khoa học và trung ương luôn có một người đàn ông mặc áo thun kẻ đen trắng, quần kaki, tóc bạc buộc túm sau gáy, đầu đội mũ phớt lặng lẽ tới xem.
Đó là Trần Văn Thủy.
Những đồng nghiệp cùng thời dù thích hay không thích ông Thủy đều phải công nhận tài năng của ông.
Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn làm phim tài liệu trực tiếp, gần không sử dụng lời bình, nhưng người ta không hiểu vì sao bộ phim với lời bình ra rả từ đầu đến cuối như Chuyện tử tế vẫn có khả năng lay động lương tâm con người.
Có thể bạn quan tâm
Sung rồi, tại sao chưa sướng?
09:15, 19/03/2018
Thói quen thường gặp của dân văn phòng nhưng lại gây ra một loạt tác hại không ngờ
20:23, 16/03/2018
Nếu thời gian là vàng là bạc, bạn đã “tiêu” nó một cách khôn ngoan chưa?
07:04, 17/03/2018
Những phóng viên từng phỏng vấn ông Thủy đều nói rằng họ bị choáng ngợp bởi kinh nghiệm, tri thức cũng như năng lượng của ông.
Rất nhiều người nói ông Thủy là người đa nghi.
Nhưng xét đến cùng, những người cùng thời đại với ông Thủy trải qua bao lần bom rơi đạn lạc không hiểu vì sao mình vẫn sống, trải qua không biết bao phen bầm giập vì những "đòn hội chợ" mà không hiểu vì sao mình vẫn tồn tại... thì đa nghi xét cho cùng là bản năng sinh tồn, để tự bảo vệ mình.
Nhiều người nói ông Thủy... "quái". Ông Thủy xem ra rất tâm đắc với nhận xét này, vì nếu không đủ độ "quái" thì làm sao ông tìm ra được khe cửa hẹp cho bộ phim của mình? Ông Thủy bảo: "Làm phim tài liệu chỉ có chân thành, tử tế thôi chưa đủ, cần phải "quái" nữa".
Nhạc sĩ Dương Thụ
Anh Thủy hơn tôi 3 tuổi, anh 78, tôi 75. Như thế là cùng thế hệ. Nhưng khi xem lại phim Chuyện tử tếmà anh làm từ năm 1985, tôi nghĩ rằng tuổi mình phải kém anh gấp 7 lần như thế. Suy tư về nhân tình thế thái, về con người với bao đau đớn, phiền muộn và bộc bạch nó một cách thẳng thắn như anh là điều tôi không thể.
Thời bao cấp, sự đểu giả không còn là hiện tượng mà người ta có thể quan sát thấy. Nó trở thành một lối sống phổ biến mà anh Thủy đã nhận ra. Chuyện tử tế là tiếng kêu, là lời cảnh tỉnh tuy có hơi muộn về sự trượt dốc đạo đức, nơi con người đang đánh mất dần nhân tính. Cán bộ văn hóa - một chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền như anh Thủy dám làmChuyện tử tế, điều này khiến tôi vô cùng kinh ngạc.
Làm văn nghệ theo cách hiểu của tôi không phải để giáo dục ai điều gì, mà là đánh thức những gì tốt đẹp trong con người: lòng yêu thương, nhân tính và vẻ đẹp nội tâm. Chuyện tử tế của anh Thủy làm được chuyện này.
Nhiều bổn phận lắm
30 năm trước, ông Thủy đã làm Chuyện tử tế xuất phát "từ tâm cảm, từ trách nhiệm công dân". Ông làm bằng khát khao muốn bày tỏ, chia sẻ với những nỗi băn khoăn về xã hội mình sống.
30 năm sau nhìn lại, ông cho rằng: "Tôi làm phim kêu gọi mọi người sống tử tế chỉ là 50% của vấn đề. 50% còn lại là phải có môi trường tử tế mới có người tử tế chứ.
Thời bao cấp nghèo khổ, nhưng thời đó con người yêu thương nhau hơn. Giờ thì một ngày có biết bao chuyện kinh hoàng xảy ra. Chúng ta đã đánh mất những thứ tốt đẹp ta từng có trong thuở hàn vi".
Sau 30 năm, bộ phim được nhắc tới, đó là vinh dự không phải nhà làm phim nào cũng có được. Thế nhưng khi ông Thủy đặt ra câu hỏi "Thế nào là sự tử tế?" thì ở một khía cạnh nào đó, câu hỏi này ông Thủy sẽ mang theo suốt đời.
Cá nhân ông Thủy cũng tự đặt câu hỏi về bổn phận làm người tử tế của mình. Năm nay tuổi gần 80, ông tự nhận "vẫn còn nhiều bổn phận lắm". Vợ chồng ông nhiều năm qua đã dồn sức lực giúp đỡ một ngôi làng ở xã Hải Phú (Nam Định), quê hương ông Thủy.
Ông đã kêu gọi nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng như bỏ tiền túi để xây dựng trường học, làm cầu, làm giếng nước, giúp đỡ người nghèo trong ngôi làng này. Cứ có tiền là ông lại mang về quê làm trường, xây cầu.
"Con người ta mỗi một đoạn lại giác ngộ ra một điều. Mình chẳng thể nào đoán trước được ở tuổi đó mình sẽ ngộ ra điều gì.
Nhưng thống nhất trong suốt cuộc đời chính là đạo lý làm người. Động cơ để tôi làm việc này là vì tôi muốn báo hiếu bố tôi, chuyện đấy quan trọng lắm vì cả cuộc đời ông cưu mang thiên hạ, cuối đời gian nan vì lý lịch.
Tôi nghĩ rằng nếu tin tưởng vào chế độ thì tốt nhất hãy làm cho người dân hạnh phúc là tử tế nhất" ông Thủy nói.
Đạo diễn - NSND Nguyễn Thước
Một lần, các phóng viên báo Nga có hỏi Tổng thống Nga
V. Putin: "Ông thích ai trong số các thủ lĩnh chính trị?".
V. Putin đã trả lời: "... Tôi còn thích Erơhard nữa, ông là một người rất thực tiễn, đã tạo dựng được nước Đức mới, nước Đức sau chiến tranh. Tiện đây nói thêm rằng toàn bộ khái niệm khôi phục đất nước của ông bắt đầu từ việc xác định những giá trị đạo đức xã hội mới".
Tôi rất thích câu trả lời này. Và với tôi, cặp phim Hà Nội trong mắt ai vàChuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy là xuất phát điểm cho những giá trị đạo đức mới.
Đã hơn 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước càng phát triển thì dường như những giá trị đạo đức xã hội càng xói mòn, tham nhũng ngày càng nặng nề.
Phải chăng việc khôi phục đất nước sau chiến tranh, chúng ta đã không coi trọng việc xác định những giá trị đạo đức xã hội mới?