Biết mình để tránh bệnh tự mê hoặc

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 22/03/2018 07:08

Có một truyện cười dân gian Việt Nam, ý khá sâu sắc, tôi dựa theo bản trong tập sách in ra ở NXB Văn học từ 1985, tạm kể tóm tắt như sau: Một anh ngủ mê đến nỗi anh em bạn đùa cạo trọc đầu rồi khiêng bỏ ra chùa cũng không biết.

Anh ta tỉnh dậy, thấy mình đầu trọc, lại nhìn cảnh chùa chung quanh, tự hỏi không biết mình là ai, có liên quan gì tới con người hôm qua.

“Ta hay sư?... Ta hay sư?”. Miệng lẩm bẩm mà lòng anh canh cánh một nỗi lo, lo rằng chính mình không còn là mình.

Muốn khỏi phân vân, anh ta nghĩ, cứ về nhà thì biết. Quả nhiên lo là đúng. Con chó thấy anh đầu trọc khác thường xô ra cắn.

Anh biết từ nay mình không còn là mình nữa, nên bỏ nhà đi thẳng.

Phần lớn truyện cười ở ta dành để chế nhạo thói xấu lặt vặt của con người, những anh chàng nói phét gặp thời, những thầy đồ ăn vụng... Khi tiếng cười cất lên quá dễ dãi cũng là lúc ta nhận ra đời sống tinh thần con người vừa cười đó nhiều phần nông nổi, tẻ nhạt.

Sau cái vẻ hơi khó cười - may lắm chỉ gây những tiếng cười thầm - truyện trên đây đặt vấn đề về tự nhận thức. Con người ta có khi không còn là mình mà không hay biết. Người tỉnh táo phải biết ghi nhận những đổi thay đã tới với bản thân. Phải nhìn vào chung quanh để tự kiểm tra lại.

Vấn đề tự nhận thức ấy cũng được đặt ta trong một truyện ngắn của Thạch Lam mang tên Người bạn cũ in trong tập Gió đầu mùa(1937).

Nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn này từ chỗ hăng hái trên con đường dấn thân vào hoạt động cho tiến bộ xã hội, quay trở lại đời sống trưởng giả nơi tỉnh lẻ. Bỗng một người đồng chí cũ (chữ đồng chí này là của Thạch Lam trong nguyên bản) gõ cửa ngôi nhà yên ấm của anh. Bạn gái Lệ Minh trong cảnh khốn quẫn đến tìm anh, trông chờ sự giúp đỡ.

Nhân vật chính sau khi lặng lẽ khước từ người bạn ấy, quay về đối diện với mình. Anh ta lặng lẽ đặt câu hỏi, giữa con người tranh đấu của mình hôm qua và con người trưởng giả hôm nay, đâu là con người thực?

“Tôi không dám trả lời”. Thiên truyện kết thúc bằng một câu lửng lơ như vậy.

Mỗi khi nhắc tới Thạch Lam, người ta hay nhắc Gió đầu mùa, Cô hàng xén, Nhà mẹ Lê hay Hà Nội băm sáu phố phường. Còn Người bạn cũ thuộc loại ít ai đọc và nhớ. Nhưng tôi cho rằng thiên truyện có giá trị ở chỗ đã ghi nhận một mẫu tư duy hiện đại khi mà, từ xã hội trì trệ hôm qua bước ra, các cá nhân trải qua những thăng trầm khiến cho nhiều khi trong một cuộc đời thành ra có nhiều cuộc đời, dưới một cái hình hài tên tuổi nhãn mác chung thực ra nối tiếp tồn tại những con người khác, thậm chí đối lập nhau nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Thế nào là sự tử tế ?

    Thế nào là sự tử tế ?

    21:03, 19/03/2018

  • Sống nửa mình sao chịu thấu

    Sống nửa mình sao chịu thấu

    15:18, 19/03/2018

  • Sung rồi, tại sao chưa sướng?

    Sung rồi, tại sao chưa sướng?

    09:15, 19/03/2018

  • Nếu thời gian là vàng là bạc, bạn đã “tiêu” nó một cách khôn ngoan chưa?

    Nếu thời gian là vàng là bạc, bạn đã “tiêu” nó một cách khôn ngoan chưa?

    07:04, 17/03/2018

Thông thường trong khi giải quyết đề tài này, các nhà văn chỉ đặt vấn đề đạo đức. Đại khái là sau khi rơi vào tình thế rất kịch như trên, nhân vật có thoáng qua một chút hối hận, để rồi lại tìm ra đủ thứ lý do biện hộ, và mọi chuyện đâu vẫn vào đấy.

Nhân vật trong truyện của Thạch Lam không chỉ đối phó với cái tình thế trước mắt. Mà sau một cuộc kiểm chứng, anh ta muốn có một cái nhìn chung về con người bản thân. Khi tự thú rằng chưa biết trả lời ra sao - một suy nghĩ rất lương thiện - thật ra anh ta đang đi dần tới sự tự chủ để có được cách hành động thích hợp trong quãng đời còn lại. Kể cả khi cứ con đường cũ mà đi thì đó vẫn cứ là một nhân cách đáng trọng.

Con người thời nay đã quá khôn ngoan. Giả sử bây giờ tôi ngớ ngẩn lên tiếng khuyên ai đó hãy lo tự nhận thức, thì người ấy sẽ lập tức đáp trả lại rằng “biết người biết mình là chuyện tối thiểu trong trường đời, có ai còn lạ mà ông phải dạy đĩ vén váy”.

Thế nhưng theo sự quan sát của tôi thì trước nhu cầu tự nhận thức hiện nay thường có mấy đáp án phổ biến:

Một là, nói cho xong chuyện, chứ thực ra người ta rất ngại ngồi đối diện với mình, tự vấn lương tâm mình. Trong khi mải mê hành động, họ coi chuyện tự tìm hiểu chính mình chỉ là chuyện xa xỉ của những người rỗi hơi ngồi mà nghĩ quẩn.

Hai là, nhiều người tự mê hoặc, tin chắc rằng mình sống chỉ có đúng, làm việc gì chỉ có lương thiện tốt đẹp vì những điều cao cả. Với họ con người ta chỉ cần xuất phát từ một “cái tâm trong sáng” là đủ, không thể có chuyện một động cơ đúng đắn, nếu không biết thực hiện, lúc nào cũng có thể dẫn đến những kết quả tai hại.

Ba là, mỗi người chỉ công nhận có một con người duy nhất ở mình, lại tưởng hôm qua thế nào hôm nay vẫn thế. Có thể họ cũng từng có một quá khứ tốt đẹp. Chỉ có điều sau đó, trước những hư hỏng không thể chối cãi, thì họ lảng tránh. Làm nền cho mọi sự dối trá càn rỡ là một lối nghĩ khô cứng. Những khái niệm như tha hóa không thể có chỗ đứng trong suy nghĩ của họ về bản thân.

Xin miễn bình luận về tác hại của những con người như thế trong đời sống. Họ khá đông đảo. Về mặt văn hóa, tôi chỉ muốn nói trình độ làm người của họ là thấp hơn so với nhân vật của Thạch Lam, thậm chí là thấp hơn cả nhân vật trong truyện cười dân gian trên đây vừa kể.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn