Tản mạn về chuyện ăn mặc
Cuối cùng, CEO của facebook, Mark Zuckerberg, cũng đã xuất hiện trước Nghị viện Hoa Kỳ để giải trình về những lùm xùm về việc lộ thông tin người dùng.
Anh chàng thú vị này đã xuất hiện thật đỉnh đạc trong một bộ suit đúng điệu, khác với phong cách thường ngày rất đỗi nổi tiếng của anh: áo phông màu xám và quần jean.
Có thể bạn quan tâm
Loạn hàng Trung Quốc gắn mác Việt
06:10, 05/12/2017
Công ty bạn chắc chắn mắc lỗi sau: Khi khách hàng lặng lẽ quay lưng
06:08, 11/04/2018
Sự kiện này làm tôi nhớ một câu chuyện mà tôi được nghe gần đây khi đi cafe cuối tuần với một người bạn. Số là, công ty mà bạn tôi làm, có một vị CEO đâu đó khoảng 40 tuổi. Anh này [CEO] có phong cách ăn mặc rất chuẩn mực. Tóc tai, quần áo lúc nào cũng gọn gàng và chỉn chu. Thông điệp của CEO rất rõ ràng:
“Làm kinh doanh, điều cốt lõi là phải tạo nên sự tin cậy cho đối tác. Sự tin cậy đến từ nhiều yếu tố, trong đó có một phần không kém quan trọng chính là phong thái và cách ăn mặc”.
Nhưng cũng vị CEO ấy, trong khoảng 1 vài năm gần đây, lại hay mặc áo sơ mi ngắn tay, bỏ áo ra ngoài, và lưng áo thường không được thẳng thớm. Hỏi ra, được lý giải là: “Các đại gia của Việt Nam dạo này hay ăn mặc như vậy”.
Ngẫm lại, thấy nhận xét của anh CEO này thật tinh tế. Doanh nghiệp mà anh đang vận hành, doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, chắc cũng không làm khác được. Quả thật, tôi hơi hoang mang về các qui tắc ăn mặc mà mình đã tốn công tìm hiểu khi bắt đầu nên ý niệm về hành nghề dịch vụ chuyên nghiệp. Còn đâu là qui tắc đồng nhất về màu sắc, cách lựa chọn suit, thể thức giao tiếp, hay đơn giản chỉ là vị trí ngồi trong bàn họp? Khi mà dường như những con người đình đám của nền kinh tế, hay thậm chí là một số chính khách cấp cao, đều bỏ qua những qui tắc mang tính tối thiểu về ăn vận?
Câu hỏi thú vị đặt ra là: sự phá cách ấy đang minh chứng cho điều gì?
Con đường phát triển bình thường của doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh và minh bạch chính tất yếu phải là con đường chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp được hiểu là tổng hoà các yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ, con người và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bằng việc xây dựng sự chuyên nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp đã giành được sự tín nhiệm từ khách hàng.
Quy tắc thông thường trong kinh doanh là phải tuân thủ pháp luật. Quy mô kinh doanh càng lớn, yêu cầu này càng cao. Có đôi khi, những ngành nghề kinh doanh mới, phải đối diện với việc khung pháp lý điều chỉnh là chưa hoàn chỉnh. Mô hình kinh doanh chia sẻ xe Uber, hoặc chia sẻ chỗ ở AirBnB là những ví dụ. Hai khái niệm risk & return trong trường hợp này được cổ xuý doanh nghiệp chấp nhận đối diện rủi ro lớn đến thu lợi cao của người tiên phong khai phá một ngành nghề. Nhưng cần phải thấy, bản chất các hoạt động kinh doanh này rủi ro là vì tính mới mẻ của nó và pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh sôi động. Nó khác biệt hoàn toàn với việc chà đạp pháp luật để thu lợi nhuận bằng mọi giá.
Môi trường kinh doanh không minh bạch, tạo nên một lớp váng giàu có trong xã hội. Các đặc quyền mà chỉ một vài doanh nghiệp có hoặc tiếp cận được, đã làm cho qui tắc về tính tính chuyên nghiệp mất đi giá trị. Cũng cần lưu ý thêm là, tính chuyên nghiệp không phải tự dưng mà có. Chuyên nghiệp phải là quá trình xây dựng, hình thành và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Cách hành xử phóng túng bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc thực hành và tuân thủ các qui tắc. Cho nên, nếu có thể bất qui tắc, mà vẫn thành công và vươn lên trước các đối thủ kinh doanh nghiêm túc, tại sao phải ép mình trong khuôn khổ?
Nghề tư vấn [Luật] được định vị là một nghề dịch vụ chuyên nghiệp. Bạn có quyền tư vấn và khách hàng phải trả tiền cho những tư vấn ấy bởi bạn được định vị là đáng tin cậy. Hơn ai hết, Luật sư là những đối tượng bắt buộc phải chuẩn tắc, mà trước hết là qui tắc về ăn vận.
Trong một xã hội hỗn loạn, việc phá vỡ các qui tắc trong ngắn hạn sẽ mang lại lợi ích. Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… có thể giúp bạn đi nhanh hơn. Nhưng nó cũng bao hàm khả năng bị tai nạn giao thông, bị công an phạt. Điều quan trọng là, nếu là người bàng quan, bạn có đánh giá cao và ngưỡng mộ những người đang chà đạp các qui tắt giao thông để giành ưu thế trong di chuyển trong tương quan so sánh với những người đang kiên nhẫn tuân thủ qui tắc gia thông hay không?