Cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí
Hà Nội tiếp tục là tâm điểm ô nhiễm không khí với 91% số ngày trong quý I/2018 có mức độ ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa công bố báo cáo chất lượng không khí quý I/2018. Nếu áp theo Quy chuẩn quốc gia về Chất lượng Không khí xung quan của Việt Nam, Hà Nội có 49 ngày nồng độ Bụi PM2.5 vượt quy chuẩn. Theo hướng dẫn của WHO, Hà Nội có đến 82 ngày tương ứng với 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn, tức là cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí. Cũng theo báo cáo, chất lượng không khí lại có xu hướng xấu trở lại trong năm 2018 khi số giờ ở mức không tốt cho sức khỏe chiếm khoảng 70% tổng thời gian.
Chất lượng không khí được chia làm 5 nhóm tác động đến sức khỏe con người gồm tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại. Trong 3 tháng đầu năm, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém.
Tại TP HCM, chất lượng không khí tốt hơn Hà Nội. Tuy nhiên cũng có đến 18 ngày, nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia và 68 ngày vượt quy chuẩn của WHO.
Đáng lưu ý, ô nhiễm bụi mịn vẫn ở mức cao ở cả hai thành phố. Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 µm có kích thước bằng một phần triệu mét - PV). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thu, hô hấp. Đặc biệt, Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene.
Có thể bạn quan tâm
Trí tuệ có nhiều loại, đầu tư đúng sẽ giúp bạn "có được cả thế giới"
15:29, 15/05/2018
Tại sao 42% thương mại điện tử toàn cầu đang diễn ra ở Trung Quốc?
15:58, 14/05/2018
Thiết bị cấy võng mạc mỏng hơn 100 lần nơron thần kinh có tiềm năng xóa bỏ bệnh mù lòa
10:54, 14/05/2018
Bị già hóa dân số, Nhật Bản đang có ý định thay thế lực lượng lao động bằng robot
15:16, 13/05/2018
Mới đây, cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của WHO mới cập nhật chỉ ra rằng khoảng 90% số người trên thế giới đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.
Người dân ở các nước đang phát triển được nhận định bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).