Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm Việt Nam giảm còn 74%

Nguyễn Long 12/06/2018 12:19

Cụ thể tỷ lệ vi phạm của Việt Nam đã giảm 4% so với năm 2016 từ mức 78% xuống 74%, BSA đánh giá đây là mức giảm cao nhất trong  khối các nước APEC.

Toàn cảnh buổi họp báo sáng nay.

Toàn cảnh buổi họp báo công bố của BSA.

Sáng nay (12/6), Liên minh phần mềm (BSA) đã chính thức công bố báo cáo kết quả Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018. Theo đó, tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%. So với năm 2016, tỷ lệ này đã giảm được 4 điểm phần trăm.

Nguyên nhân là do xu hướng tiêu thụ máy vi tính PC tuy giảm mạnh nhưng lượng cài đặt phần mềm tiêu dùng lại tăng do kết quả của lượng tiêu thụ năm trước. Vì thế, việc tỉ lệ phần mềm tiêu dùng không phép giảm chủ yếu là kết quả của việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, thực thi luật, tuyên truyền chứ không phải một yếu tố nội tại của thị trường.

Số lượng cơ sở bán lẻ máy PC quy mô nhỏ đã giảm trong khi các nguồn cung cấp phần mềm đáng tin cậy hơn tăng. Các lo ngại về vấn đề an ninh do sử dụng phần mềm không bản quyền khiến một số người tiêu dùng, doanh nghiệp tìm đến phần mềm hợp pháp, chí ít là các phần mềm an ninh.

Ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lich : “Chỉ trong khoảng thời gian ngắn 2 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã giảm 4%, đây là dấu mốc cho việc thực tốt luật sở hữu trí tuệ, chống vi phạm bản quyền phần mềm. Con số 4% không phải là lớn nhưng nó đã nói lên thành quả của nỗ lực và quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cho thấy Việt Nam đang thực hiện đúng như cam kết các hiệp định thương mại quốc tế và có tác dụng lớn trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, ông Thái cũng chia sẻ một thực tế trong 2 năm qua, Bộ đã kiểm tra thực tế trên gần 200 đơn vị, 10000 máy tính, nhưng một thực tế tồn tại đó chính là nhiều doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm hoàn toàn biết rõ và hiểu rằng mình đang vi phạm pháp luật và việc sử dụng phần mềm không bản quyền rất nguy hiểm cho doanh nghiệp mình. “ Tại sao còn nhiều doanh nghiệp vi phạm trong khi  đơn vị nắm rõ đây là hành vi phạm pháp? Cần phải phân tích lý do tại sao họ cố tình vi phạm, phân tích được nguyên nhân mới có thể giảm tỉ lệ vi phạm, giải quyết được nguồn gốc vấn đề” – ông Thái cho biết.

bà Shery Lee, Cố vấn Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA.

Bà Shery Lee, Cố vấn Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA.

Về phía BSA, trình bày về báo cáo Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018 là bà Shery Lee, Cố vấn Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA. Theo đó, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, phần mềm không bản quyền vẫn được sử dụng trên toàn cầu với tỉ lệ đáng báo động, chiếm tới 37% tổng số phần mềm được cài đặt trên máy vi tính cá nhân, và tính từ năm 2016 chỉ giảm 2%. Giá trị thương mại tổng thể của phần mềm trái phép cũng đã giảm nhưng đa số các quốc gia trong cuộc khảo sát đều có tỷ lệ phần mềm trái phép từ 50% trở lên. Tỷ lệ cao này không chỉ làm trì trệ nền kinh tế địa phương do tụt hậu trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà còn cản trở sự tăng trưởng lợi nhuận của công ty và gây ra những rủi ro về bảo mật.

Theo các CIO, sử dụng phần mềm không bản quyền đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có chi phí cao. Mã độc từ phần mềm không bản quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên toàn thế giới gần 359 tỷ USD mỗi năm. Trung bình, mỗi cuộc tấn công bởi phần mềm độc hại có thể tiêu tốn của công ty 2,4 triệu USD và mất tới 50 ngày để khắc phục. Các CIO cho biết, việc tránh bị hack dữ liệu và các nguy cơ an ninh khác từ mã độc là lý do số một để bảo đảm cho mạng vi tính của doanh nghiệp sử dụng hoàn toàn phần mềm có giấy phép.

Trên thực tế, IDC ước tính rằng khi doanh nghiệp có các biện pháp thực tế tăng cường quản lý phần mềm thì có thể nâng cao lợi nhuận tới 11%.

Về nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp cố tình vi phạm bản quyền phần mềm, theo bà Lee, nguyên nhân xuất phát chính từ ý thức của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của cả các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt cần có sự thống nhất xuyên suốt từ các cá nhân cho đến đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp trong việc hiểu rõ những tác động mà phần mềm không bản quyền mang đến.

Nguyễn Long