Mạng xã hội video Việt Nam có đủ mạnh để đánh bật Tik Tok?
Muvik mạng xã hội video do người Việt làm ra sau một thời gian chiếm lĩnh thị hiếu người dùng thì nay đang phải đối mặt với đối thủ nặng ký từ Trung Quốc là Tik Tok.
Hiện nay, xu hướng người dùng mạng xã hội đang có sự dịch chuyển sang các mạng xã hội video, đặc biệt là các ứng dụng chạy trên nền tảng mobile. Theo Nielsen, Việt Nam là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro từ quảng cáo qua mạng xã hội
05:30, 22/06/2018
Startup Nhật đưa tin siêu tốc nhờ mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo
07:28, 01/06/2018
Bộ TT&TT xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”
20:19, 18/05/2018
Tại thị trường Việt Nam, thị phần mạng xã hội video này đang dần bị chiếm lĩnh bởi ứng dụng Tik Tok. Tik Tok là sản phẩm của startup Douyin (thuộc Bytedance), từng gây chấn động bởi kỳ tích vươn vào top ứng dụng mạng xã hội video ngắn (Short-Form Video) nhiều người dùng nhất Trung Quốc chỉ trong 500 ngày.
Trong khi đó vào giai đoạn năm 2017 đến đầu năm 2018, thị phần này lại nghiêng về một ứng dụng thuần Việt, chuyên tạo các đoạn clip lipsync là Muvik.
Các đoạn lypsync từ Muvik khi đó đã tạo sức hút vô cùng lớn trong giới trẻ thậm chí còn giúp tạo ra hàng loạt các hot girl, hot boy tuổi teen như Linh Ka.
Tuy nhiên, từ khi có đối thủ đến từ Trung Quốc tiến vào thị trường, Muvik đã lộ rõ những điểm yếu và dần mất đi sự thu hút trong giới trẻ. Thứ nhất, Muvik chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp là lypsync trong khi đó đối thủ lại phong phú và đang dạng các loại hình hơn trong việc tạo một video, tạo cho người dùng một môi trường sáng tạo hơn. Thứ hai, Tik Tok tạo được các hiệu ứng video đặc thù riêng để khi có bị cắt watermark người xem vẫn nhận ra được, các hiệu ứng này thu hút được thị hiếu của giới trẻ nên nhanh chóng thành “hot trend”.
Ở thị trường Việt Nam, không chỉ mua quảng cáo trên Facebook, Instagram để nhanh chóng phát triển lượng người dùng, Tik Tok lan truyền trên mọi nền tảng nhờ chiêu thức rất khôn ngoan. Đó là những hiệu ứng video chậm chất riêng mà dù che logo, người xem vẫn nhận ra.
"Ngay cả khi watermark bị cắt, bạn vẫn sẽ nhận ra phong cách của Douyin", Fabian Bern - CEO của UpLab.Asia nhận xét.
Hai mạng xã hội Muvik và Tik Tok nhìn chung đều kiếm tiền từ bán quảng cáo và thu một phần hoa hồng từ những người dùng nhận quà tặng (vốn có thể tích lũy để quy đổi thành tiền) và ký hợp đồng với những cá nhân, tổ chức muốn trở thành ngôi sao trên nền tảng, với các đặc quyền về hiển thị và tiếp cận người xem.
Như vậy, với thị trường lên đến 45% dân số trong độ tuổi 15 - 54 xem nội dung truyền hình và video theo yêu cầu (VOD), theo Khảo sát của Kantar Media Việt Nam, thì doanh thu từ các ứng dụng trên không phải là nhỏ. Tuy nhiên, nếu không biết tận dụng lợi thế sân nhà và không nhanh chóng thay đổi để phù hợp thị hiếu người dùng thì miếng bánh của doanh nghiệp Việt sẽ bị đối thủ nước ngoài cướp mất.
Báo báo 'Internet Trends 2018" phát hành vào tháng 3 của Kleiner Perkins cho biết, Tik Tok hiện có đến 95 triệu người dùng hàng ngày. Thời gian dùng trung bình của mỗi người là 52 phút mỗi ngày. Tỷ lệ người dùng hàng ngày trên người dùng hàng tháng (DAU/MOU) là 57%.