Bảy khó khăn trong chuyển đổi số

Ths Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Chuyển đổi số - Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp 28/06/2018 11:28

Chuyển đổi số là cuộc lột xác của doanh nghiệp vì vậy có rất nhiều khó khăn trong quá trình số hóa.

Những khó khăn mà CEO gặp trong chuyển đổi số.

Thứ nhất, tâm thế lãnh đạo: Tại Việt Nam, đa phần các chủ doanh nghiệp xuất thân từ thế hệ 7 X và 8 X chưa quen với các công nghệ và quy trình số. Sợ hãi trước những gì mới lạ là bản chất của mọi cá nhân. Để vượt qua khó khăn này, đòi hỏi các lãnh đạo cần gia tăng tiếp xúc trải nghiệm số hóa các sản phẩm và dịch vụ trong ngành cũng như trong cuộc sống.

Thứ hai, quản lý cấp cao: Quản lý cấp cao là khó khăn thứ hai doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải vượt qua. Đa phần quản lý cấp cao không thích hoặc chống đối với quá trình chuyển đổi số vì họ đang trong vùng an toàn và có nhiều quyền lợi. Đối mặt với các công nghệ quy trình tước bỏ những mặt mạnh của họ trong công việc là một việc không dễ dàng. Tiếp cận với nỗi sợ hãi này chính là quá trình giúp cho họ hiểu số hóa sẽ giúp cho họ gia tăng sức mạnh tạo ra sản phẩm dịch vụ hay giá trị nhiều hơn từ đó quyền lợi của họ sẽ tăng hơn so với trước.

  Nếu như các rào cản này chưa được xử lý triệt để, số hóa doanh nghiệp chắc chắn sẽ diễn ra rất chậm và có thể thất bại trên thực tế. 

Thứ ba, phương thức quản lý và vận hành của nhân lực hiện tại: Chúng ta có thể hình dung trong doanh nghiệp khi các nhân viên thực hiện công việc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cách thức quản lý và giám sát công việc.

Thứ tư, cơ cấu trong doanh nghiệp: Số hóa là hình ảnh phản chiếu của quy trình và vị trí từng công việc trong doanh nghiệp lên tấm gương số. Tại mỗi vị trí, khách hàng nội bộ là ai, các công việc cần giải quyết, KPI của từng vị trí. Chỉ khi nào cơ cấu trong doanh nghiệp chuẩn hóa chúng ta mới có khả năng số hóa doanh nghiệp. Có một hiện tượng là khi doanh nghiệp áp dụng ERP vào trong hoạt động, các yêu cầu vị trí trên hệ thống ERP rất khác xa với những vị trí thật tại doanh nghiệp.

Thứ năm, quy trình kinh doanh và vận hành trong doanh nghiệp: Cũng tương tự cơ cấu, các quy trình trong doanh nghiệp cũng cần được chuẩn hóa và theo bài bản. Có một thói quen của các nhân viên Việt Nam đó là họ thích làm theo kinh nghiệm rất ít muốn thay đổi theo các tiêu chuẩn từ bên ngoài.

Thứ sáu, văn hóa quản trị doanh nghiệp: Có ba thay đổi lớn trong phương thức quản trị đó là tốc độ- các cấp quản lý cần phải đáp ứng nhanh với vấn đề xẩy ra, khách quan - quy trình vận hành rõ ràng và minh bạch tạo ra các số liệu cho việc ra quyết định khách quan, trao quyền – người quản lý và nhân viên đều tiếp cận vấn đề giống nhau về mặt thông tin dẫn tới quản lý cần trao quyền quyết định mạnh mẽ hơn cho nhân viên.

Thứ bảy, kỹ năng và trình độ của nhân lực: Khi chuyển sang chuyển đổi số, khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ thay đổi để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới. Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì không có nhân lực thực thi.

Ths Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Chuyển đổi số - Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp