Truyền thông số, mảnh ghép quan trọng xây dựng kinh tế số
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sức mạnh của truyền thông số sẽ tạo sự dịch chuyển và đầu tư mới cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Sức mạnh của Truyền thông số
Trong lĩnh truyền thông hiện nay tại Việt Nam tồn tại hai dạng chính là Truyền thông truyền thống và Truyền thông số. Mức độ tác động đến xã hội của truyền thông truyền thống chỉ dừng ở mức 20%, còn 80% còn lại đang nằm ở truyền thông số.
Có thể bạn quan tâm
Sáu thách thức để bắt nhịp kinh tế số
05:14, 19/05/2018
TS Vũ Tiến Lộc: Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số
09:54, 17/05/2018
Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số
14:08, 23/11/2017
Với sự bùng nổ của Internet và tốc độ tăng trưởng người dùng luôn ở mức trên 10% mỗi năm, số người gia nhập các mạng xã hội tăng bình quân từ 15-21% và còn tiếp tục tăng. Cộng với số người sở hữu điện thoại thông minh đang ngày một tăng. Theo số liệu nghiên cứu từ eMarketer, trong năm 2017, số lượng người sử dụng smartphone trên toàn cầu tiến lên con số 2,39 tỷ người, trong đó tăng mạnh nhất là Ấn Độ và Việt Nam – số người dùng smartphone tại mỗi quốc gia này trong năm 2017 tăng khoảng 20%.
Những yếu tố này đã tạo điều kiện cho loại hình truyền thống số trở nên phổ biến, dễ tiếp cận, đặc biệt lượng thông tin liên tục được cập nhật. Xu hướng người dùng không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới đang có sự dịch chuyển từ sử dụng các phương tiện truyền thống như ti vi, báo giấy thì giờ đây tất cả đã được tích hợp trên các thiết bị di động. Nắm bắt được xu hướng này, các kênh truyền hình, các tờ báo trên cả thế giới đều thay đổi theo hướng, một là song song cùng tồn tại hai loại hình truyền thống và số hóa, hai là tập trung cho phát triển số hóa, loại bỏ loại hình truyền thống.
Một thống kê khác của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) chỉ ra, những trang web được xem nhiều nhất thế giới hiện nay là: Google, YouTube, Facebook, Wikipedia, Yahoo, Amazon…
Nhìn vào danh sách này, chúng ta nhận thấy có: Các kênh tiếp nhận, tìm kiếm thông tin tổng hợp (Google, Yahoo, Wikipedia), mạng xã hội (Facebook), giải trí và tương tác video (YouTube), kênh thương mại điện tử (Amazon), tức là chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, hoặc mở máy tính bảng, smartphone, người dùng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân.
Chình từ đây, sức mạnh của truyền thông số đã thể hiện sự vượt trội hơn so với truyền thông truyền thống. Nhờ vào Internet, Truyền thông số khắc phục được nhược điểm của truyền thông truyền thống, nó có tốc độ, sự lan tỏa, có hình ảnh, có video … hội tụ các điểm mạnh riêng lẻ của các loại hình truyền thông như truyền hình, báo in, phát thanh. Sự hấp dẫn của kỉ nguyên số có thể thấy rõ khi để đạt đến 50 triệu người dùng, phát thanh mất 38 năm, truyền hình cần 13 năm, Internet chỉ cần 4 năm và mạng xã hội như Facebook chỉ cần 2 năm.
Truyền thông số giúp xây dựng kinh tế số
Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý. Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra với nhiều người thì ngành truyền thông và kinh tế số là một cái gì đó khá bong bóng, nhất là trên thị trường tài chính. Tuy nhiên điều đó có vẻ không đúng khi mà cách đây vài hôm chứng kiến giao dịch gần 2.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán của tập đoàn truyền thông Yeah1. Đây là một minh chứng khá sống động và tác động trực tiếp tới nền kinh tế.
Đối với ngành truyền thông số, lượng thông tin vô cùng lớn vì vậy cần phải thúc đẩy lượng thông tin này làm sao đem lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Thực tế cho thấy cứ một công việc liên quan đến công nghệ cao sẽ tạo thêm 5-7 công việc đi kèm.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các rủi ro an ninh mạng cũng gia tăng nhanh chóng. Chúng gia tăng trên tất cả các phương diện: các loại rủi ro mới; số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại. Theo hãng bảo mật Kaspersky, năm 2017 có 35,01% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam – VNCERT thống kê được trong năm 2017 Internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cũng phải hứng chịu những thiệt hại từ sự gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Ngoài các rủi ro đã được nhận diện – như tấn công mạng và tội phạm mạng; các rủi ro khác gồm: xâm phạm quyền riêng tư và khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại cũng như phi thương mại; vấn đề tin giả, thông tin không chính xác; phát ngôn thù ghét cũng đã gia tăng đáng kể với người dùng Internet, với doanh nghiệp. Tấn công số cũng gây tác động lớn tới dịch vụ, tài nguyên,thiết bị vật lý, thậm chí cả uy tín doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, cơ quan chính phủ.