Thước đo thành công của Quốc gia số là gì?
Theo AlphaBeta, sự thành công của Quốc gia số được xác định và đánh giá trên 4 lĩnh vực: Vốn tài chính, sản phẩm số, vốn con người và cộng đồng số.
Tại Hội thảo “Quốc gia số: các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta đã định nghĩa ngắn gọn một quốc gia số là một quốc gia chủ động thúc đẩy nền kinh tế số - thay vì chỉ thụ động đón nhận các sản phẩm và dịch vụ số.
Theo đó, để đánh giá sự thành của Quốc gia số được xác định và đánh giá trên 4 lĩnh vực: Vốn tài chính (tiếp cận vốn trong mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp), sản phẩm số (hàng loạt các sáng kiến đổi mới trong lĩnh vực số bao gồm phát triển ứng dụng và IP), vốn con người (Lực lượng nhân tài chất lượng cao trong nước và tiếp cận nhân tài cao cấp nước ngoài) và cộng đồng số (Đội ngũ các công ty trong và ngoài nước chủ động trong lĩnh vực số).
Ông Konstantin lý giải, một quốc gia số điển hình sẽ cấp rất nhiều vốn tài chính cho doanh nghiệp ở mọi giai đoạn phát triển. Ở quốc gia đó, doanh nghiệp được coi là những nhà lãnh đạo đổi mới, với thành tích phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số có hiệu quả kinh tế, bao gồm các ứng dụng điện thoại di động mới. Một quốc gia số không được thiếu nhân công chất lượng cao (vốn con người) với các kỹ năng liên quan để đóng góp cho nền kinh tế. Đây cũng là quê hương của một cộng đồng đầy triển vọng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực thúc đẩy tăng trưởng trong không gian số.
Hiện nay, theo thẻ điểm Quốc gia số của AlphaBeta, Việt Nam đang thứ 11/11 ở cả 3/4 yếu tố, chỉ duy nhất yếu tố sản phẩm số Việt Nam đang đứng thứ 8, xếp trên Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Singapore hiện đang dẫn đầu về tổng thể, nhờ hiệu quả đặc biệt mạnh mẽ trong việc tăng cường cơ hội tiếp cận vốn, thu hút và giữ chân nhân tài và phát triển một cộng đồng kỹ thuật số mạnh mẽ trong nước.
Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể cải thiện vị trí và tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số? Theo AlphaBeta, xác định tài năng số, môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ, và chính sách thuế là đòn bẩy chính sách quan trọng nhất để trở thành một quốc gia số.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ lúc này tư duy của chúng ta phải đổi mới nhảy vọt đạt được yêu cầu thay đổi trong kinh tế số. Thời cơ của chúng ta đang rất lớn mà nền kinh tế số của Việt Nam lại đang ở mức thấp nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên cơ hội của chúng ta nằm ở khả năng tăng trưởng nhanh và được các nhà đầu tư đánh giá là có tiềm năng. Tận dụng được cơ hội đó là yêu cầu thay đổi thể chế, thay đổi chính sách là rất quan trọng. “Đặc biệt lâu nay chúng ta khuyến khích sáng tạo thì trong nền kinh tế số phải sáng tạo nhiều hơn, chấp nhận sản phẩm mới, công nghệ mới, cách làm mới để chúng ta là quốc gia đi đầu trong việc đổi mới” – ông Cung cho biết.
Không thể trước một vấn đề mới lại áp đặt cách tư duy truyền thống, lấy quy định truyền thống áp vào và nói chúng ta chưa có quy đinh và chưa có quy định thì đó đang là cản trở đối với phát triển kinh tế nói chung.
Ông Konstantin Matthies cũng chỉ ra một thực tế rằng Việt Nam đang có một đội ngũ nhân tài lập trình được quốc tế tôn trọng và đánh giá cao. Vì vậy, nhiều nhà lập trình có thể nhận được lời mời hoặc cơ hội làm việc tại các quốc gia khác. Chính vì vậy, Chính phủ nên đặt nhiều nỗ lực vào việc tạo ra các cơ hội và sự khích lệ tại sân nhà để giữ chân những tài năng này. Các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng đảm bảo một môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, các nhà đầu tư và nhân lực của các doanh nghiệp này.