Mô hình nền tảng phát triển mạnh mẽ nhờ đâu?
Có thể ví nền tảng như là “ông mai bà mối” trong nền kinh tế hiện đại ngày nay. Hiệu ứng thành công sẽ như những quân bài domino giúp mạng lưới “mai mối” mở rộng nhanh chóng.
Như đã viết ở bài trước, giá trị của mô hình nền tảng nằm ở khả năng kết nối giữa cung và cầu và thiết lập điều kiện thuận lợi để tạo ra những tương tác tạo giá trị giữa hai bên. Có thể ví nền tảng như là “ông mai bà mối” trong nền kinh tế hiện đại ngày nay. Một khi ông mai bà mối đó giúp 2 đối tượng giao tiếp và thỏa mãn được nhu cầu của nhau thì tiếng lành sẽ đồn xa, những người có nhu cầu tìm bạn đời tương tự sẽ tìm đến và nhờ mai mối. Hiệu ứng thành công sẽ như những quân bài domino giúp mạng lưới “mai mối” mở rộng nhanh chóng.
Quay trở lại với mô hình kinh tế nền tảng, có 4 đặc tính cơ bản của nền tảng làm thỏa mãn nhu cầu của hai bên cung – cầu và tạo nên động lực phát triển của nền tảng:
Giúp chia sẻ hạ tầng và công cụ với chi phí thấp
Khi một hệ thống siêu thị như Mega Mart, Metro hay Walmart muốn mở thêm 1 cơ sở, họ sẽ mất nhiều năm trời với bao nhiêu công sức và tiền của để xây dựng, đào tạo nhân sự, vận hành thử, và marketing đến các nhà cung cấp cũng như khách hàng trên địa bàn. Trong khi đó, để thêm 1 “gian hàng” trên nền tảng, chủ nền tảng chỉ cần thực hiện một số thao tác kỹ thuật để mở rộng danh mục hàng hóa. Sự khác biệt về độ phức tạp và tốn kém này cũng dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về chi phí bán hàng giữa hai phương thức.
Một khi đã phát triển thành công, nền tảng sẽ có thể chia sẻ hạ tầng và công cụ vận hành cho gần như vô giới hạn người tham gia. Nói là “gần như vô giới hạn” bởi mọi giao dịch của nền tảng diễn ra trên không gian mạng, không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý hay diện tích cửa hàng, quy mô kho bãi…Có chăng sự giới hạn chỉ nằm ở dung lượng máy chủ và tốc độ đường truyền – mà điều này thì khá dễ dàng để nâng cấp trong thời đại công nghệ ngày nay.
Nhờ có chi phí chia sẻ (hay thuê) thấp mà giá của sản phẩm dịch vụ được bán trên nền tảng cũng sẽ không bị đội lên quá nhiều bởi khâu trung gian. Khi đó, người bán không chỉ quẳng được gánh lo vận hành hệ thống cồng kềnh mà còn tối ưu được chi phí kinh doanh và người mua được sở hữu sản phẩm mong muốn với mức giá tốt hơn. Như vậy, nền tảng đã giúp hai bên giải quyết tốt vấn đề chi phí.
Tạo ra được niềm tin giữa những người xa lạ
Rõ ràng, bất kỳ khi nào mua một sản phẩm nào đó, bạn sẽ muốn mua ở nguồn uy tín nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như trải nghiệm mua hàng của mình thật tiện lợi và dễ chịu. Đặc biệt là trong một xã hội đang bị khủng hoảng niềm tin, khi mua hàng online, sự nghi ngờ và đề phòng của người mua là điều hoàn toàn có thật bởi có những lúc tiền đã trao đi mà thứ nhận lại thì chẳng xứng đáng.
Mô hình nền tảng giải quyết được vấn đề này khi tạo ra được niềm tin giữa người bán và người mua – vốn là những người xa lạ bằng cách thiết lập những luật lệ, quy định và buộc mọi người tham gia nền tảng phải tuân thủ. Người mua hàng tin tưởng vào sự uy tín của nền tảng để quyết định mua sản phẩm trên đó; người bán hàng tin rằng nền tảng sẽ giúp họ kết nối được với những người mua có nhu cầu thực và giúp cho quá trình bán hàng của họ diễn ra được trơn tru. Theo quy luật tâm lý, khi 2 đối tượng cùng tin vào một đối tượng thứ 3 thì họ sẽ có được niềm tin đối với nhau. Những luật lệ và quy định của nền tảng đưa ra chính là cơ sở của lòng tin mà các bên xây dựng cho nhau. Nhiệm vụ của nhà phát triển nền tảng là nghiên cứu để đưa ra những luật lệ và quy định tương thích với cả hai bên cũng như phương thức thực hiện tiện ích nhất.
Hiệu ứng mạng khiến những giao dịch trên nền tảng hữu xạ tự nhiên hương
So với mô hình truyền thống (pipe - tạm dịch là “mô hình đường ống”), hiệu ứng mạng là một đặc tính mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho mô hình nền tảng. Nó giúp nền tảng nhanh chóng được củng cố và mở rộng, thúc đẩy sự gia tăng của sản xuất và tiêu thụ.
Khi càng nhiều người lao động tham gia vào UpWork, thì nền tảng này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà tuyển dụng. Khi càng nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên ở đây thì lại khiến thu hút nhiều người lao động đến hoạt động trên UpWork hơn. Một vòng lặp phản hồi tích cực sẽ giúp cho mô hình nền tảng phát triển với chi phí rất thấp.
Phù hợp với những bước tiến công nghệ và hành vi người dùng hiện đại
Cách mạng công nghệ thông tin đang mang lại những bước tiến vượt bậc, phục vụ mọi mặt của đời sống con người. Hành vi của người dùng ngày nay cũng theo đó thay đổi rõ rệt. Từ mua hàng tại chợ hay các siêu thị, nay chuyển sang mua hàng tại các website bán online; từ việc đọc các thông tin tuyển dụng ở các bảng tin phường hay dán ở cổng cơ quan xí nghiệp, nay chuyển sang tìm kiếm việc làm trên các trang tin tuyển dụng như Vietnamwork…
Tương tự như vậy, một hoạt động khác có mặt từ thời xa xưa của loài người là đọc sách cũng chuyển mình thay đổi. Thay vì đọc sách được in trên các vật liệu hữu hình như gỗ hay giấy, một bộ phận lớn độc giả ngày nay đang chuyển sang đọc sách điện tử (ebooks). Và như một kết quả tất yếu của quy luật cung – cầu, các nền tảng xuất bản điện tử đang xuất hiện và tồn tại song song với các nhà xuất bản truyền thống. Các nhà phát hành sách ngày nay làm việc với các nhà xuất bản truyền thống để ra các đầu sách in và đồng thời họ cần phát triển cả phiên bản sách điện tử. Họ hoàn toàn có thể số hóa tác phẩm để có bản ebooks theo một số cách thức đơn giản, nhưng để kinh doanh ebook, họ cần một nền tảng thực sự vận hành trơn tru và hiệu quả - điều mà không phải nhà phát hành nào cũng đủ tiềm lực để tự xây dựng hay đánh giá là đáng để đầu tư. Khi đó, việc đi thuê những nền tảng phát triển độc lập để kinh doanh ebooks là một lựa chọn khôn ngoan, tính cả đến khía cạnh tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư.
Trên thế giới, Amazon được coi là một gã khổng lồ thai thác thành công mô hình kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực ebooks. Cả 2 nền tảng KDP và KDP Select của Amazon cho phép tác giả tự xuất bản sách điện tử và kinh doanh bằng hình thức cho độc giả “mượn sách để đọc” có trả phí. Hàng tháng, Amazon sẽ thanh toán cho tác giả số tiền bản quyền tương ứng với doanh thu nhận về của cuốn sách (có 2 mức 35% và 70% cùng những ràng buộc tương ứng tùy theo lựa chọn của tác giả). Mô hình này của Amazon đã sớm nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng tác giả và độc giả và phát triển nhanh như vũ bão. Đến nay, riêng nền tảng KDP cũng đã có hơn 3 triệu cuốn ebooks và liên tục được thêm mới cùng hàng chục triệu người dùng ở khắp nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, Waka là nền tảng xuất bản điện tử tiên phong đi theo mô hình kinh doanh này. Sau vài năm tập trung phát triển và tối ưu nền tảng, xây dựng tập người dùng và những kênh truyền thông rộng lớn và hiệu quả cho các mảng nội dung sách khác nhau, vừa qua, Waka đã chính thức hợp tác với Saigon Books để khai thác tác phẩm của nhà phát hành này trên nền tảng điện tử. Theo đó, Waka sẽ tạo riêng một tủ sách của Saigon Books trên nền tảng Waka (bao gồm cả trên web, wap và app). Sẽ còn cần thêm thời gian để có thể đánh giá hiệu quả của mô hình hợp tác này. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy ngay bây giờ là tầm nhìn chiến lược của Waka và sự dũng cảm thay đổi tư duy và đổi mới cách làm của Saigon Books.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về nền tảng xuất bản điện tử tại Waka.vn