Mô hình kinh doanh nền tảng – đôi bên cùng có lợi

Minh Ngọc 04/07/2018 08:05

Mô hình kinh doanh nền tảng hiện khá phổ biến trên thế giới và cũng không còn mấy xa lạ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người chỉ mới nhìn thấy phần bề nổi của nó với vai trò là khách hàng trên nền tảng đó. Phần chìm của tảng băng chính là quá trình xây dựng nền tảng và mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi của nhà phát triển nền tảng và những đơn vị hợp tác hoạt động trên đó.

Cái giá nào cho một mô hình kinh doanh nền tảng?

Khác với các mô hình kinh doanh khác có thể nhanh chóng lan rộng như nấm mọc sau mưa một khi các nhà kinh doanh “đánh hơi” được mức độ tiềm năng của nó. Đối với mô hình nền tảng, nhìn vào số lượng ít ỏi các nền tảng đang hoạt động hiệu quả cũng đủ để thấy rằng đây là một con đường gập ghềnh khó đi. Để xây dựng và vận hành một nền tảng đòi hỏi phải qua một quá trình với kế hoạch chiến lược cùng sự đầu tư nhân lực và tài chính dài hơi – điều mà không phải một doanh nghiệp nào cũng có thể theo đuổi đến cùng.

Cả thế giới ngày nay đều ngưỡng mộ thành công của Facebook khi nền tảng này quy tụ gần 1/3 dân số thế giới tham gia – đạt 2,3 tỷ người dùng (theo số liệu báo Quý 1/2018 của Facebook). Tuy nhiên, để có được thành công ngày hôm nay, Mark Zuckerberg đã bắt đầu viết website FaceMash – tiền thân của Facebook ngày nay - từ 2002 và từ bỏ trường đại học danh tiếng Harvard cùng nhiều thứ khác để đầu tư xây dựng và mở rộng mạng lưới Facebook.

Tại Việt Nam, các nền tảng đang hoạt động mạnh trong các lĩnh vực chủ yếu có nguồn gốc nước ngoài: Facebook và Youtube trong lĩnh vực truyền thông đến từ Mỹ, Lazada  đến từ Đức và Shopee đến từ Singapore trong lĩnh vực bán lẻ; Traveloka đến từ Indonesia và Trivago đến từ Đức trong lĩnh vực dịch vụ du lịch…

Có lẽ một trong số ít những nền tảng do một công ty Việt Nam đầu tư phát triển và đang hoạt động khá hiệu quả là Waka. Waka tự định hình là nền tảng xuất bản điện tử, hoạt động trong lĩnh vực được đánh giá “khó nhằn” ở thị trường Việt Nam là ebooks. Sự “khó nhằn” ấy đến từ nhiều yếu tố như văn hóa đọc của người Việt còn nhiều hạn chế, thói quen đọc sách giấy đã ăn sâu vào đời sống…Và chính sự “khó nhằn” ấy khiến cho việc trụ vững của nền tảng này sau 4 năm ra mắt càng trở nên đáng quan tâm.

Theo đại diện của Waka, để phát triển và vận hành mô hình kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực sách điện tử, có 4 loại chi phí cần phải đầu tư.

Thứ nhất là chi phí sản xuất kỹ thuật: Đội ngũ công nghệ sẽ xây dựng nền tảng để hoạt động được trên tất cả các hệ điều hành của các thiết bị điện tử dùng để đọc như Android, IOS và phiên bản máy tính. Riêng mỗi hệ điều hành cũng có nhiều phiên bản khác nhau. Vì thế, đội ngũ kỹ thuật cần thường xuyên cập nhật và nâng cấp tính năng nền tảng để có độ tương thích tối đa và mang lại trải nghiệm người dùng tiện ích nhất.

Thứ hai là chi phí bản quyền: Mô hình chuẩn sẽ là Waka cho thuê nền tảng để các nhà xuất bản và phát hành kinh doanh ebooks. Tuy nhiên, khi thị trường chưa hội đủ yếu tố để vận hành theo mô hình chuẩn đó thì mô hình quá độ là Waka phân phối ebooks và chia sẻ doanh thu đạt được với các đối tác đó (đảm bảo một mức doanh thu tối thiểu). Với kho sách lên đến 13.000 ebooks như hiện tại của Waka, chi phí bản quyền phải trả hàng năm lên đến con số hàng tỷ đồng.

Thứ ba là chi phí số hóa sách: Dao động trong khoảng 100.000 – 200.000 đồng cho mỗi quyển sách. Chi phí này thoạt nhìn có vẻ ít nhưng tính tổng cho cả kho sách thì không hề nhỏ.

Thứ tư là chi phí phát triển người dùng (user): Số lượng tập người dùng chính là tài sản và là yếu tố sống còn của các nền tảng điện tử. Hoạt động tương tác giữa người mua và người bán tạo nên giá trị và các giao dịch được thực hiện thành công sẽ phát sinh ra doanh thu cho nền tảng. Việc phát triển tập người dùng được thực hiện theo nhiều cách. Trong đó, cách phổ biến nhất hiện nay là chạy quảng cáo lượt cài đặt ứng dụng trên Facebook. Với đơn giá trung bình 5.000 – 10.000 đồng/lượt cài đặt, chi phí này cũng là một thách thức lớn đối với những nền tảng mong muốn đạt con số lượt cài đặt lên đến hàng triệu.

Ngoài ra, một số chi phí khác chưa kể đến bao gồm: chi phí nhân sự, vận hành, truyền thông, thương hiệu…

Kinh doanh trên nền tảng – Đôi bên cùng có lợi

Theo mô hình chuẩn, nhà phát triển nền tảng sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cho nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách hàng và cuối cùng là bán được sản phẩm của mình trên đó. Với cách thức này, nền tảng sẽ trở thành một “đại siêu thị” với đa dạng nhà cung cấp và hàng hóa. Các nhà sản xuất được giải phóng hoàn toàn khỏi gánh nặng công nghệ kỹ thuật để tập trung phát triển sản phẩm lõi của họ. Về mặt chi phí và thời gian, họ cũng tiết kiệm được rất nhiều. Những ý tưởng và sản phẩm kinh doanh của họ sẽ nhanh chóng được tiếp cận tới tập khách hàng tiềm năng.

Mô hình nền tảng và mô hình đường ống truyền thống kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng theo cách khác nhau

Mô hình nền tảng và mô hình đường ống truyền thống kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng theo cách khác nhau

Trong khi đó, chủ sở hữu nền tảng chỉ cần thu một mức phí nhỏ từ mỗi nhà cung cấp là đã tạo nên doanh thu đáng kể. Theo hiệu ứng mạng, một nền tảng càng có nhiều người dùng sẽ càng thu hút nhiều nhà cung cấp tham gia và ngược lại, càng nhiều nhà cung cấp tham gia (đồng nghĩa với có nhiều lựa chọn sản phẩm hàng hóa hơn) thì cũng là một hấp lực đối với người tiêu dùng.

Câu chuyện lãi lỗ của mô hình kinh doanh nền tảng sẽ còn cần phải chờ thêm thời gian để kết luận vì các bên tham gia phải trải nghiệm nhiều hơn nữa để tối ưu hóa các bước vận hành. Tuy nhiên, với những ưu thế vượt trội so với mô hình kinh doanh đường ống truyền thống, mô hình kinh doanh nền tảng đang chứng minh được sự phù hợp và là xu thế của hiện tại và tương lai.

Nền tảng xuất bản điện tử Waka vừa chính thức công bố hợp tác khai thác tác phẩm với Saigon Books trên nền tảng điện tử. Mô hình hợp tác này lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực ebooks ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ mở ra một  phương thức kinh doanh không chỉ bắt nhịp được với xu thế hiện đại mà còn hiệu quả về mọi mặt. Theo thỏa thuận hợp tác, Waka sẽ tạo riêng một tủ sách của Saigon Books trên nền tảng Waka (bao gồm cả trên web, wap và app). Tại đó, độc giả sẽ tìm thấy tất cả bản ebooks những cuốn sách bán chạy nhất thuộc mảng chủ đề thế mạnh của Saigon Books mà không phải lọc tìm giữa những tác phẩm của các nhà phát hành khác.

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về nền tảng xuất bản điện tử tại Waka.vn

Minh Ngọc