Ứng dụng AI trong nông nghiệp không phải chuyện dễ
Tiềm năng ứng dụng AI vào sản xuất nông nghiệp ở việt Nam không phải là quá khó, thực chất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng, tuy nhiên việc ứng dụng còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Theo đại diện của IBM Việt Nam, việc ứng dụng AI và điện toán biết nhận thức để mang đến các dịch vụ mang tính cá nhân hóa đang phát triển ngày càng nhanh. Công nghệ điện toán biết nhận thức không chỉ đơn giản là những hệ thống AI có khả năng học hỏi, lập luận hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mà còn có ý nghĩa đại diện cho mối quan hệ đối tác giữa con người với công nghệ.
Tuy nhiên, việc áp dụng AI vào sản xuất của từng doanh nghiệp lại không phải là chuyện dễ do Việt Nam có đặc thù riêng. Ví dụ như khi lựa chọn công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải tính đến đặc thù địa lý, khí hậu, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Trí tuệ nhân tạo của Alibaba có thể viết 20.000 quảng cáo/giây, nhiều người lo thất nghiệp
20:15, 05/07/2018
Trí tuệ nhân tạo lại vượt mặt con người: AI Trung Quốc đánh bại 15 bác sĩ trong cuộc thi chẩn đoán khối u
11:17, 04/07/2018
Thượng Hải tham vọng xây dựng kinh đô trí tuệ nhân tạo
04:15, 04/07/2018
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco cho biết, "Chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất dựa theo mô hình khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, nhưng biến đổi khí hậu làm đảo lộn không ít. Ví như, tại Lâm Đồng, bình thường chỉ 5-6 tháng là mùa mưa, thì bây giờ gần như mưa quanh năm. Hay đợt nắng nóng bất thường vừa qua tại miền Bắc khiến nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 độ C, nhiệt độ trong nhà kính lên đến 60 độ C, khiến chuyên gia chuyển giao công nghệ của Isarel cũng phải sốc", bà Thảo cho hay.
Bên cạnh đó, việc trao đổi, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp công nghệ hiện chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới, doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng cung cấp được. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cần gì thì doanh nghiệp công nghệ không biết dẫn đến không quảng bá được sản phẩm.
Khó khăn là vậy, nhưng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã biết thích ứng và bước đầu đem lại những kết quả khả quan khi áp dụng AI vào trong sản xuất.
Điển hình như Công ty CP Phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) chuyên trồng dưa lưới ở Hậu Giang đã dùng cảm biến để đo độ ẩm trong nhà màn và bổ sung lượng nước cho phù hợp. Khi độ ẩm lên quá cao, hệ thống sẽ tự động kích hoạt quạt thông gió để hút không khí ẩm ra ngoài. Khi nhiệt độ tăng cao, màn che nhà lưới sẽ tự động phủ rộng để cắt hoặc che nắng...
Hay, ở một số trang trại rau củ ở Lâm Đồng, chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa, người làm vườn sẽ biết vườn cây cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nhà nông biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.
Cũng trong xu hướng ấy, Công ty CP Lavifood ứng dụng công nghệ thông minh vào trồng trọt, sản xuất để đảm bảo mọi quá trình từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến đều được quản lý và kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Năm 2017, Lavifood đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood tại Tây Ninh với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, mỗi ngày tiêu thụ 500 tấn xoài, chanh dây, dứa, thanh long...
Một số chuyên gia cho biết, công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, để thành công cần sự nỗ lực phối hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước.