Thách thức đẩy mạnh EAP trong doanh nghiệp
EAP hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng đến việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và giảm thiểu khí thải nhà kính, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Mới đây, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã giới thiệu đến công chúng Chương trình Hành động sinh thái (EAP), nhằm thúc đẩy thực hiện các giải pháp, hành động sinh thái trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, Chương trình Hành động sinh thái có xuất xứ từ Nhật Bản, được giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2013.
Lợi ích của EAP
EAP được giới thiệu và áp dụng ở Việt Nam từ năm 2013, trong khuôn khổ Chương trình tín chỉ chung (JCM). Và đã có 3 thành phố đã triển khai mô hình này gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Năm 2014, số lượng tham gia lên tới gần 50 doanh nghiệp tham gia. Điển hình như Công ty CP Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex), tham gia EAP đã góp phần 90% CO2; 19%-78% lượng chất thải rắn do thực hiện hàng loạt các giải pháp: Phân loại rác; lắp đồng hồ điện theo dõi chỉ số điện năng từng đơn vị; cải thiện hệ thống chiếu sáng; sử dụng bộ tiết kiệm điện cho máy may và máy chuyên dụng; sử dụng động cơ hiệu suất cao, bảo ôn máy ép keo, bảo ôn đường ống dẫn hơi cho máy ủi đồ; theo dõi định mức nhiên liệu hàng tháng, bảo trì thường xuyên động cơ...
Thực hiện EAP góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp; Đáp ứng yêu cầu của khách hàng; Tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường và đặc biệt là dễ dàng thực hiện công tác quản lý môi trường tại các DN vừa và nhỏ với chi phí thấp.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VECEA cho biết, EAP là Chương trình Hành động sinh thái, có xuất xứ từ Nhật Bản. Được xây dựng dựa vào Tài liệu Hướng dẫn Hành động Sinh thái 21 (EA21). EAP hướng dẫn các Doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng đến việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và giảm thiểu khí thải nhà kính.
EAP có thể được hiểu là một hình thức của Hệ thống Quản lý môi trường (EMS) được xây dựng phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó tiết kiệm chi phí được nhấn mạnh. Bởi do loại hình doanh nghiệp có quy nhỏ nên EAP thực hiện các giải pháp rất chi tiết và tiết kiệm chi phí. Với mục tiêu cung cấp, phổ biến kiến thức cơ bản về EAP, thúc đẩy và nhân rộng mô hình EAP trên phạm vi toàn quốc, từng bước thay dổi nhận thức - xây dựng ý thức sinh thái, kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu sinh thái trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN.
Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp lớn xác định rằng hệ thống quản lý môi trường (HT QLMT) là một trong những điều kiện cơ bản của họ khi tham gia giao dịch và khi giao dịch cũng đòi hỏi họ phải có điều kiện này. Việc hàng hóa nhập khẩu cũng yêu cầu nhập từ các doanh nghiệp có HT QLMT. Các đơn vị tham gia EA21, sẽ được cơ quan trung gian thứ 3, thẩm định và cấp giấy chứng nhận nên uy tín của đơn vị sẽ được nâng cao về mặt xã hội.. Các báo cáo môi trường của đơn vị sẽ được công bố ra bên ngoài cho nên uy tín của đơn vị sẽ được nâng cao đối với người tiêu dùng...
Bài toán phát triển EAP
Theo ông Mai Văn Huyên - Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenDC), thời gian qua, con số doanh nghiệp quan tâm, tham gia EAP đã tăng. Như vậy có thể thấy rằng, nhận thức của cộng đồng DNVVN về việc áp dụng EAP tăng, đồng nghĩa với việc đưa EAP vào cộng đồng DNVVN tăng lên. Tín hiệu mừng tiếp theo đó là VECEA và ECC Hồ chí Minh đã và đang khởi động lại EAP tại các thành phố lớn. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của EAP đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ này.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, áp dụng Chương trình EAP vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các DNVVN của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Trong đó kinh phí và nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Hiệp, để mô hình EAP lan rộng tới cộng đồng DNVVN thì cần đẩy mạnh công tác truyền thông về EAP, xây dựng và đề xuất cơ chế khuyến khích các DNVVN tham gia vào chương trình, tạo nhiều mô hình thí điểm tại các doanh nghiệp...
“Đồng thời, phải đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ tay nghề cao, từng bước thay đổi nhận thức và xây dựng ý thức sinh thái trong môi trường doanh nghiệp. Chương trình Hành động sinh thái EAP là một mô hình sinh thái mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Ứng dụng EPA, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhân công và từng bước nâng cao hiệu quả và uy tín của doanh nghiệp”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong bối cảnh việc thực hiện trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng DNVVN còn nhiều hạn chế thì việc khuyến khích thực hiện mô hình EAP tại các DN sẽ mang nhiều lợi ích thiết thực, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm nguồn nước, tiết kiệm chi phí...