Nhật Bản là đối tác lớn của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Khắc Lãng 29/08/2018 13:32

“Trong lĩnh vực Thông tin &Truyền thông, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản liên tục được thúc đẩy, cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp…".

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Và Truyền thông khẳng định tại Hội nghị Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra sáng nay (29/8). 

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VINASA VÀ KEIS

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VINASA VÀ KEIS

Đánh giá về sự hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản, Thứ trưởng Hồng cho biết, Hội nghị Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng có ý nghĩa hơn khi năm 2018 là năm đánh dấu 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

“Trong lĩnh vực TT&TT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản liên tục được thúc đẩy, cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT hai quốc gia” Thứ trưởng Hồng nói.

Hội nghị Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Hội nghị Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cũng theo Thứ trưởng Hồng, Bộ Thông tin &Truyền thông Việt Nam đã cùng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể đến các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin, bưu chính và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai Bộ trưởng thành lập nhằm triển khai các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi.

Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỉ trọng lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Nhật Bản với triết lý kinh doanh 'phớt lờ' cổ đông

    Doanh nhân Nhật Bản với triết lý kinh doanh 'phớt lờ' cổ đông

    06:10, 28/08/2018

  • "Cửa lớn" thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản

    03:43, 28/08/2018

  • Nhiều startup Nhật Bản chọn Đông Nam Á làm nơi lập nghiệp

    Nhiều startup Nhật Bản chọn Đông Nam Á làm nơi lập nghiệp

    06:36, 16/08/2018

  • Nhật Bản tiếp tục tiếp nhận sinh viên Việt Nam thực tập hưởng lương và làm việc tại Nhật

    Nhật Bản tiếp tục tiếp nhận sinh viên Việt Nam thực tập hưởng lương và làm việc tại Nhật

    15:30, 15/08/2018

Nhật Bản là một quốc gia đi đầu với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Hồng mong muốn Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa hai Bộ; hiện thực hóa các hoạt động của nhóm công tác chung, tập trung vào các nội dung xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, bảo đảm an toàn thông tin...; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư CNTT-TT mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Thứ trưởng Hồng cũng mong các doanh nghiệp CNTT tham gia và đồng hành cùng Bộ TT&TT trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban và nhiều Bộ trưởng các Bộ là Ủy viên Ủy ban quan trọng này.

“Bộ Thông tin &Truyền thông cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới. Bộ Thông tin &Truyền thông với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, cũng đang tập trung chỉ đạo Bộ Thông tin &Truyền thông phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp CNTT, trong đó có cả công nghiệp phần mềm - lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác, tận dụng được hết trong thời gian qua” Thứ trưởng Hồng chia sẻ.

Hội nghị Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức.

Với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Hội nghị đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp giao dịch, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam còn quảng bá và giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tới các đối tác Nhật Bản; mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh với thị trường Nhật Bản; chia sẻ, đánh giá tiềm năng trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam và nhu cầu hợp tác từ các doanh nghiệp Nhật Bản; thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT từ các đối tác Nhật Bản vào Hà Nội; Tăng cường liên kết và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ ngành CNTT sang Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung.

Đặc biệt, với hai phiên Toạ đàm “Cải thiện chất lượng hợp  tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản” và “Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới” sẽ góp phần thức đẩy Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phát triển mạnh.

Khắc Lãng