Công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để cải thiện chỉ số PCI, PAR
Đó là nhận định của ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam tại hội thảo “hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 22", do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức vào ngày 29/8.
Ông Hải cho biết qua khảo sát chỉ số ICT (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông) qua các năm cho thấy những địa phương thực hiện tốt ứng dụng CNTT-TT trong giải quyết các thủ tục hành chính, thành lập doanh nghiệp, đối thoại với nhà đầu tư…đều có chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR (Cải cách hành chính) đứng ở thứ hạng cao. Tiêu biểu như TP.Đà Nẵng: trong 3 năm gần đây luôn dẫn đầu trong 63 tỉnh, thành về chỉ số này, đó cũng là tiền đề để Đà Nẵng đứng nhất, nhì về chỉ số PCI trong các năm qua.
TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết: trong thời gian qua Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng, đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Cải cách toàn diện cả 3 mặt: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực; hiện tại Việt Nam đang đứng thứ 6/11 trong khối Asean về chỉ số Chính phủ điện tử (CPĐT).
Theo ông Phan: “Để đạt mục tiêu đứng vào nhóm dẫn đầu Asean về Chính phủ điện tử thì vai trò chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là yếu tố quan trọng nhất, thúc đẩy thành công xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế bảo đảm thực thi là yếu tố quyết định; xây dựng thể chế, cải cách hành chính phải đi trước một bước; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và quyết định điều hành dựa trên dữ liệu số là điều kiện thành công”.
Ông Từ Quang, Phó giám đốc chi nhánh tại TP.HCM-Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ FSI là đơn vị cung cấp giải pháp số hóa tài liệu hàng đầu với nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo (AI) cho rằng: “để triển khai chính quyền điện tử tại chính Việt Nam thành công, bên cạnh nhiều yếu tố về hạ tầng dùng chung cần đáp ứng, thì việc xây dựng khối cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt và thuận tiện trong quá trình sử dụng là điều kiện tiên quyết và vô cùng quan trọng."
Còn theo Phó Tổng giám đốc VNPT IT Nguyễn Trọng Nghĩa Trong: trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc triển khai Chính phủ điện tử được xem là tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và là tiền đề để xây dựng xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn.
Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Cty cổ phần tin học giải pháp tích hợp mở (inet solutions), Công ty cổ phần Misa…cũng chia sẻ các giải pháp Trung tâm điều hành thông minh, ứng dụng công nghệ Blockchain trong CPĐT nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các địa phương, Viện, Trường trong vùng cũng chia sẻ các giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý nguồn nước, phòng chống thiên tai, kho dữ liệu dùng chung cho đô thị thông minh…
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đang diễn ra và liên quan đến mọi lĩnh vực, trong đó CNTT-TT là một trong những thành phần nền tảng với những yếu tố cốt lõi là: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật. Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh, CMCN 4.0 được coi là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Các hội thảo CNTT-TT được tổ chức luân phiên với chủ đề đa dạng, phù hợp xu thế sẽ là diễn đàn quan trọng nhằm thảo luận gợi mở và có đề xuất cụ thể, giúp các Bộ ngành có cái nhìn toàn diện để tham mưu với Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý, cũng như các giải pháp hỗ trợ kịp thời để đưa cuộc CMCN 4.0 phát triển nhanh hơn.