Cơ hội nào cho nền kinh tế số tại Việt Nam?
Theo các đại diện của các tập đoàn công nghệ lớn, nguồn nhân lực công nghệ cao và khung chính sách mở là chìa khóa quan trọng để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
"Điểm nghẽn" nhân lực
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Việt Nam đều thống nhất rằng, trong thời đại kinh tế số, các quốc gia đều nhận thức được việc khai thác tài nguyên trí tuệ sẽ dần thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên như trước đây. Do đó, chuyên gia kinh tế học vĩ mô của Alphabeta Advisors, Konstantin Matthies cho rằng, thu hút và bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao giúp nâng cao năng suất lao động quyết định vị thế lâu dài của doanh nghiệp và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững.
"Việt Nam đang làm khá tốt trong việc phát triển kinh tế số", ông Matthies nhận định. "Với ưu thế dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. Do vậy, cần tận dụng và nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực dồi dào này để nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng thành công những thành tựu công nghệ và áp dụng vào thực tiễn".
Có thể bạn quan tâm
Định hình tương lai cho quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Hoa Kỳ
11:00, 10/09/2018
Chính phủ điện tử và nỗ lực phát triển kinh tế số
08:23, 21/08/2018
Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam
07:30, 09/08/2018
Thanh toán phi tiếp xúc: Xu thế của thời đại kinh tế số
09:37, 06/07/2018
Đồng tình với quan điểm của ông Matthies, bà Barbara Navarro, Giám đốc Chính sách công, Chiến lược và Vận hành của Google cũng cho rằng, việc phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là việc làm cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Việt Nam đang sở hữu 90%-95% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang hoạt động thương mại điện tử ở những bước đầu, thiếu đội ngũ nhân lực xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu, thanh toán số... một cách chuyên nghiệp và bài bản. Do đó, khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ sẽ nhanh chóng rơi vào tình thế bất lợi", bà cho biết.
Mặt khác, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng chảy đầu tư quốc tế để tăng những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ và một số công nghệ như robot tiên tiến, vận tải tự động, trí tuệ nhân tạo và một số công nghệ khác sẽ được đưa vào sử dụng ở quy mô công nghiệp dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm.
Xây dựng nền kinh tế mở
Ông Andrew Harris, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á của Amazon cho rằng, để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình hợp tác đào tạo là một trong những giải pháp các công ty công nghệ lớn của Mỹ chú trọng.
"Amazon đã tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp nội địa mở các chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thậm chí, một số tập đoàn công nghệ Mỹ đã hợp tác với các trường đại học tiến hành xây dựng chương trình đào tạo giáo dục kép để có khung đào tạo riêng, đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm cho doanh nghiệp", ông Andrew cho biết.
Bên cạnh chiến lược thu hút nhân tài, các chuyên gia đều cho rằng, một khung chính sách mở và mang tính cân bằng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, từ đó thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như khối lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các nghiên cứu của Alphabeta tại một số nước phát triển trên thế giới về mối tương quan giữa những quốc gia có độ mở của chính sách và sở hữu nền kinh tế số phát triển. Kết quả cho thấy những nước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tốt thường có độ cạnh tranh cao nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch bằng việc cải thiện thủ tục hành chính và có khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Andrew cũng chỉ ra, Việt Nam đang có nhiều tiến bộ trong việc duy trì đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ chính sách cho một hệ sinh thái minh bạch cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, nếu không đầu tư vào việc phát triển nền kinh tế số một cách hợp lý, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Kinh nghiệm từ các tập đoàn kinh tế toàn cầu nhấn mạnh, cần phối hợp nhiều chủ thể, trong đó nhân lực công nghệ cao và khung chính sách mở là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt Nam mở cánh cửa thương mại điện tử ra với thế giới.