Apple đang đặt lợi nhuận lên trên quốc gia?
Apple cũng đã bị gán cái mác: Đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên an ninh Quốc gia.
Cụ thể Tim Cook là người đóng vai kẻ phản diện trong làn sóng chỉ trích này, khi Apple bị nghi ngờ là đã phát hiện chip độc trong bo mạch của Supermicro nhưng không thông báo cho chính phủ. Trước đó, ông cũng là người khởi đầu cho làn sóng di cư khâu sản xuất sang Trung Quốc, khiến hàng triệu người Mỹ khan hiếm việc làm.
Tiếp tay cho Trung Quốc ăn cắp thông tin?
Trong bài báo ngày 4/10 của Bloomberg dẫn 17 nguồn tin ẩn danh từ doanh nghiệp và chính phủ, hãng tin tài chính nói Trung Quốc can thiệp vào phần cứng bo mạch của máy chủ để gián điệp thông tin doanh nghiệp và chính phủ Mỹ. Có một thông tin rất quan trọng liên quan đến Apple, họ nói rằng Apple đã phát hiện những sản phẩm bo mạch này có vấn đề từ năm 2015 nhưng lại im hơi lặng tiếng chấm dứt hợp đồng với Supermicro mà không thông báo với các cơ quan chính quyền.
Một làn sóng chỉ trích xuất hiện nhắm thẳng vào Apple. Họ tố cáo bởi vì sự yên lặng này của Apple mà khiến chip độc ăn sâu vào trong nhiều doanh nghiệp Mỹ, gây nên hậu quả rất nghiêm trọng nặng nề mà chưa có phương án giải quyết, thậm chí xém nữa chip độc thâm nhập được vào bộ máy Chính phủ.
Vụ việc gây nên sự phẫn nộ không hề nhỏ. Nhiều tin đồn ác ý cho rằng: Apple im lặng trước chip độc của Trung Quốc vì không muốn làm phật lòng những đối tác của họ ở Trung Quốc. Họ còn cho rằng Apple tiếp tay cho Trung Quốc ăn cắp thông tin của Mỹ để đổi lại những lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm |
Họ dẫn chứng rằng, Apple là một trong số hiếm hoi những công ty Mỹ được hoạt động tự do ở Trung Quốc. Trong khi Twitter, Facebook, Whatsapp, Google đều bị đánh văng ra khỏi Quốc gia đông dân nhất Thế Giới này.
Sự việc càng tồi tệ hơn khi từ lâu Apple cũng đã bị gán cái mác: Đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên an ninh Quốc gia. Họ có cả một lịch sử về việc bất hợp tác với FBI và chính quyền Mỹ.
Trong các vụ điều tra, FBI thường phải truy cập được những thông tin riêng tư như email, tin nhắn, hộp thư thoại của các đối tượng tình nghi, để tìm chứng cứ buộc tội, hay ngăn chặn các tổ chức khủng bố sớm. Tuy nhiên, mỗi lần dính đến Apple họ đều bị gây khó dễ ít nhiều.
Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ đầu năm 2016, khi FBI buộc Apple mở khoá iPhone 5C để điều tra về vụ xả súng ở San Bernardino, California. Tuy nhiên Apple nhất quyết từ chối và kháng cáo đến cùng, với danh nghĩa bảo vệ an toàn dữ liệu người dùng. Bất chấp an ninh Quốc gia.
Trong khi đó, khi được Chính phủ Trung Quốc yêu cầu, Apple lập tức chuyển hết dữ liệu người dùng Trung Quốc về Trung Quốc.
Làn sóng phẫn nộ dấy lên câu hỏi cực kỳ nghiêm trọng: Apple từ chối cung cấp thông tin cho Mỹ nhưng lại tiếp tay cho Trung Quốc ăn cắp thông tin? Apple có còn là một doanh nghiệp Mỹ hay không? hay đã trở thành doanh nghiệp của Trung Quốc?
Apple ngay sau đó đã lên tiếng rằng việc nói họ phát hiện được chip độc từ năm 2015 là sai sự thật. Tuy nhiên, một lần nữa Bloomberg khẳng định rằng nhân chứng của họ là một vị trí cấp cao trong Apple và họ hoàn toàn tự tin vào phát biểu của mình.
Không quá ngạc nhiên khi dư luận tỏ vẻ ủng hộ phát biểu của Bloomberg hơn và lên án Tim Cook rất quyết liệt. Vì nhiều người Mỹ vốn không ưa Tim Cook khi chính ông là người tạo nên làn sóng đá mất miếng ăn của họ.
Tim Cook đá mất miếng ăn của người Mỹ
Nếu như dưới thời Steve Jobs, triết lý “Think Different” của Apple là triết lý đáng mơ ước của cả một thế hệ và khách hàng mua Apple vì sự đột phá công nghệ của nó thì dưới thời Tim Cook, người ta mua Apple chỉ vì sự đồng bộ của hệ sinh thái và thương hiệu sang chảnh. Những giá trị xưa của Apple không còn nữa, người dùng thì càng ngày phải trả nhiều tiền để sử dụng thiết bị.
Tim Cook là nhà kinh doanh đại tài. Ông bóp nát sáng tạo để đổi lấy lợi nhuận. Ông đã biến Apple từ một công ty có tiếng mà không nhiều miếng thành công ty lớn nhất nước Mỹ, với vốn hoá hơn 1 nghìn tỷ USD. Ông là cục vàng của các nhà đầu tư, nhưng lại là cái gai trong mắt của người tiêu dùng.
Họ không thích ông là vì thế. Nhưng còn một lý do sâu xa hơn khiến người ta ghét Tim Cook.
Bởi vì ông là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho làn sóng di cư khâu sản xuất của doanh nghiệp Mỹ sang Trung Quốc. Quyết định đóng cửa hết nhà máy sản xuất của Apple ở Mỹ và chuyển sang Trung Quốc của ông đã mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng cho Apple.
Dell, HP và hàng loạt các hãng công nghệ Mỹ khác phải di cư theo nếu muốn tránh khỏi nguy cơ phá sản. Dần dần nước Mỹ mất hẳn nền công nghiệp sản xuất, cũng như hàng triệu việc làm vào tay Trung Quốc. Tim Cook trở thành "cơn ác mộng" cho nền kinh tế và lao động Mỹ.
Chỉ trích leo thang. Tim Cook và Apple phải làm được điều gì đó thật sự đặc biệt để lấy lại niềm tin của người dân Mỹ. Bằng không họ chắc hẳn phải gặp tai hoạ rất lớn không từ chỉ chính quyền, mà còn từ sự tẩy chay của người dùng.