Blockchain: Giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp SME

Nguyễn Long 10/10/2018 14:04

Theo GS Mitsuhiro Maeda - Học viện cao cấp về công nghệ công nghiệp Nhật Bản, blockchain có thể ứng dụng để doanh nghiệp SME có thể tiếp cận được các nguồn vốn.

Với thực trạng doanh nghiệp SME đang chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 45% tổng sản lượng quốc nội và 31% ngân sách quốc gia, nhưng hiện nay SME chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22- 25%, nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.

GS Mitsuhiro Maeda Học viện cao cấp về công nghệ công nghiệp Nhật Bản

GS Mitsuhiro Maeda Học viện cao cấp về công nghệ công nghiệp Nhật Bản

GS Mitsuhiro Maeda cho biết, không chỉ khó vay vốn ngân hàng, các SME cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn khác, như phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư,...

Đối với việc huy động vốn qua thị trường vốn, không phải SME nào cũng đáp ứng được điều kiện để huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Hơn nữa, thị trường chứng khoán đã và đang trồi sụt thất thường, thanh khoản thấp, nên việc phát hành cũng rất khó khăn. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ SME cũng chưa thuận lợi khi quỹ này chưa cụ thể hoá các tiêu chí của Luật hỗ trợ SME, như yếu tố tài sản bảo đảm, tính minh bạch thông tin, các trình tự thủ tục rõ ràng. Đặc biệt, các quỹ này vẫn hoạt động theo cơ chế ngồi đợi, chứ chưa chủ động tìm kiếm doanh nghiệp...

Và theo GS Meada, Blockchain có thể ứng dụng để doanh nghiệp SME có thể tiếp cận được các nguồn vốn.

Theo đó, hệ thống thông tin của doanh nghiệp sẽ được ghi vào “sổ cái” blockchain từ đó chia sẻ thông tin trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng nhà đầu tư giúp các nhà đầu tư tham khảo và quyết định góp vốn hay mua trái phiếu của doanh nghiệp.

Theo GS Meada, dựa trên các đặc điểm của blockchain là chống lại sự tập trung hóa, cải thiện sự tin tưởng và sự giám sát, giảm thiểu chi phí của hệ thống cơ sở hạ tầng và "phá vỡ" trung gian xác thực thông tin, GS. Mitsuhiro Maeda đề xuất chi tiết một hệ thống tài chính trực tiếp hỗ trợ trong việc phát triển các sản phẩm tài chính và chi trả trực tiếp với chi phí gần như bằng 0 và không bị sự kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức nào trên nền tảng công nghệ bockchain.

Đề xuất trên xuất phát từ hiện trạng của hệ thống tài chính trực tiếp trong doanh nghiệp nhỏ và vừa là thông tin không thống nhất, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lớn, hệ thống tài chính gián tiếp đang chiếm lĩnh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng để hỗ trợ thị trường tài chính trực tiếp không rẻ - không bảo mật – không dễ dàng chia sẻ thông tin...

Có thể bạn quan tâm

  • Startup làm game 'ngựa ảo' trên nền tảng Blockchain

    07:29, 03/08/2018

  • Ứng dụng tín dụng phi tập trung dựa trên nền tảng Blockchain

    22:24, 28/07/2018

  • Startup Binkabi thiết kế lại chuỗi giá trị nông nghiệp với sàn giao dịch blockchain

    06:28, 19/07/2018

  • Công nghệ Blockchain nâng tầm nông sản Việt.

    22:45, 05/07/2018

Cụ thể, GS Maeda đưa ra một hệ thống 3 lớp trên 1 chuỗi khối đối với trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm: Hệ thống biểu quyết, Hệ thống chuỗi tư nhân (chia sẻ thông tin) và Hệ thống lưu giữ dữ liệu (quản lý).

Với hệ thống biểu quyết, nhà đầu tư bỏ phiếu cho tỷ lệ lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp (hệ thống đấu giá trên nền tảng Internet), theo đó, nhà đầu tư chào lãi suất cao nhất có thể có quyền mua trái phiếu doanh nghiệp.

Về hệ thống chuỗi tư nhân được xây dựng trên nền tảng blockchain, doanh nghiệp SME phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ cung cấp các thông thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư để thu hút đầu tư. Ví dụ như: tình trạng hoạt động, kế hoạch kinh doanh, dữ liệu của CEO…

Hệ thống lưu giữ dữ liệu do công ty quản lý vận hành cả hai hệ thống quản lý blockchain và hệ thống cơ sở dữ liệu kế thừa.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch trong hồ sơ doanh nghiệp đưa vào blockchain là một bài toán khó. Trước hết phần lớn các SME chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Mạnh -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp cho biết hiện Viện đang triển khai cùng quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia xây dựng form chuẩn về khung năng lực, đây là thước đo cho năng lực doanh nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính cũng như các cơ quan hỗ trợ tốt hơn.

Nguyễn Long