“Miếng bánh” cho smartphone Việt?
Ở Việt Nam các smartphone Việt sẽ phải “nội chiến” để giành giật 3% thị phần nhỏ nhoi.
Nếu có tham vọng và nhìn rộng hơn, các smartphone Việt Nam cũng chỉ là một trong số hơn 600 thương hiệu trên toàn cầu tranh giành khoảng 24% thị phần còn lại của “chiếc bánh” smartphone. Đây thực sự là một cuộc đua khốc liệt.
Giữa tháng 12 này, Tập đoàn Vingroup sẽ chính thức ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Đây là những sản phẩm đầu tiên khởi động cho chiến lược phát triển theo định hướng công nghiệp và công nghệ của Tập đoàn trong tương lai.
Kỳ vọng mới
Đại diện tập đoàn cho biết, nhà máy có công suất 5 triệu sản phẩm mỗi năm cho giai đoạn 1 và được công nhận đạt chứng chỉ về quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Toàn bộ nhà máy được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610 dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử. Môi trường sản xuất được kiểm soát hoàn toàn về nhiệt độ, độ ẩm, kiểm soát phóng tĩnh điện cũng như độ sạch không khí để đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm. Công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao của châu Âu. Trong đó, hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất do Công ty công nghệ BQ đến từ Tây Ban Nha là BQ phát triển.
Thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại, VinSmart tiến tới sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, tối ưu giá thành và tổ chức cung cấp ra thị trường.
"Với triết lý sản phẩm tốt - khuyến mãi tốt - hậu mãi cực tốt và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vingroup, các sản phẩm Vsmart sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường", đại diện Vsmart nhận định.
Dù chư công bố chính thức thông tin về cấu hình cũng như giá bán cụ thể của sản phẩm nhưng dự kiến model rẻ nhất sẽ ở mức khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Như vậy, với sự xuất hiện của Vsmart, thị trường smartphone Việt Nam ngày càng sôi động hơn nhờ sự xuất hiện liên tục của các tên tuổi mới. Bởi trước đó đã có tới 5 thương hiệu điện thoại “made in Việt Nam” là Mobiistar, Viettel, VNPT, BKAV – BPhone, Asanzo lần lượt ra mắt.
Dù tiên phong như Mobiistar (ra đời cách đây 8 năm), Viettel, VNPT, xuất hiện “ồn ào” như BKAV – BPhone hay thực dụng, hướng đến người dùng phổ thông nhưng vẫn bổ sung nhiều tính năng cao cấp như nhận diện khuôn mặt, cảm biến vân tay như Asanzo thì điểm chung cho các thương hiệu smartphone thuần Việt này là đều chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Trong bối cảnh ấy, người tiêu dùng có lẽ trông đợi nhiều hơn vào sự ra mắt của Vsmart bởi Tập đoàn Vingroup đã có “thói quen” đối với các thương hiệu của mình. Có một thực tế mà các thương hiệu smartphone Việt không muốn đối mặt, đó là cùng với sự xuất hiện của Vsmart, cuộc đua giành “miếng bánh” thị phần smartphone Việt sẽ ngày càng trở nên khốc liệt.
Câu hỏi đặt ra là liệu “miếng bánh” thị phần smartphone thuần Việt có lớn lên trong bối cảnh “chiếc bánh” smartphone tại Việt Nam đang ngày càng phình to?
“Bánh ít” đối thủ nhiều
Thị trường smartphone Việt Nam tăng trưởng khoảng 10%/năm, lượng bán ra năm 2017 gấp đôi năm 2014, đạt 15 triệu sản phẩm. Ngay cả những công ty có tiếng trên thế giới cũng phải vật lộn ở thị trường Việt Nam, do người tiêu dùng đang ngày càng kén chọn hơn trong một thị trường đang tiến tới điểm bão hòa.
Theo số liệu mới nhất từ GFK, 9 tháng năm 2018, Samsung và Oppo vẫn tiếp tục giữ vững vị thế và chiếm hơn 60% tổng thị trường. Samsung nắm giữ 41,4% thị phần, Oppo, nắm giữ 22,7%, Apple 6,3% thị phần. Đáng chú ý là sự vươn lên bất ngờ của Xiaomi, chiếm vị trí thứ 4 với 6% thị phần di động Việt Nam. Điều này có thể hiểu khi Xiaomi đang liên tục tấn công vào thị trường Việt Nam với nhiều mẫu mã sản phẩm có giá cực rẻ và cấu hình mạnh. Hãng này cũng có những cam kết đầu tư vào thị trường Việt khi mở các store lớn ở Việt Nam.Theo sau là Huawei 4,2% thị phần, Nokia 3,7% thị phần, Vivo 3.1% thị phần.
Theo thống kê quý I/2018 của IDC Indochina, các hãng điện thoại Việt chỉ chiếm 3% thị phần. Thị trường smartphone sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc chiến smartphone giá rẻ trong thời gian tới. Các đại diện đến từ Trung Quốc cùng các mẫu smartphone cấu hình cao, giá cạnh tranh... là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nội không thể tăng về thị phần trong thời gian qua, thậm chí nó còn là nguyên nhân khiến thị phần của hãng lớn suy giảm tại Việt Nam.
Như vậy, có thể hình dung đối thủ cạnh tranh trực tiếp smartphone thuần Việt là các thương hiệu Trung Quốc. Các thương hiệu smartphone thuần Việt sẽ phải quyết liệt để giành giật “miếng bánh” nhỏ nhoi vài phần trăm còn lại. Thậm chí, nếu có tham vọng và nhìn rộng hơn, các hãng smartphone Việt Nam cũng chỉ là một trong số hơn 600 thương hiệu trên toàn cầu đang tranh giành 24% thị phần còn lại của “chiếc bánh” smartphone.
Bởi vậy, với chiến lược đã công bố và với những sản phẩm chuẩn bị trình làng, người tiêu dùng Việt đang rất kỳ vọng vào khả năng “dẫn dắt” của Vsmart để smartphone thương hiệu Việt có thể cạnh tranh thành công trong “miếng bánh” smartphone tại chính Việt Nam.