Đặt nhiều kỳ vọng, vì sao Thế giới Di động đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui?
Trang thương mại điện tử Vui Vui của Thế giới Di Động (MWG) đóng cửa từ cuối tháng 11/2018 và chính thức chuyển sang website của Bách hoá Xanh.
Dự án mới chỉ có 2 năm tuổi đời
Người tiêu dùng khi gõ trên trang vuivui.com, một dòng thông báo cho biết trang này đã đóng cửa từ 27/11 và trang thông tin tự động chuyển sang Bách hoá Xanh (bachhoaxanh.com) - một thành viên của Thế giới Di Động phục vụ việc bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Vuivui.com là nền tảng thương mại điện tử được Thế giới Di Động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017. Sự ra đời của nền tảng thương mại điện tử này theo CEO Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG là nhằm cạnh tranh "miếng bánh" tiềm năng của thị trường bán lẻ online với các đối thủ.
Vị CEO này cũng từng kỳ vọng trang thương mại điện tử Vui vui sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm tham gia thị trường và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới Di Động. Trong kế hoạch 2018, ban lãnh đạo Thế giới Di Động vẫn đưa ra kỳ vọng sẽ mở rộng các ngành hàng kinh doanh trên trang Vuivui.com và "đưa dịch vụ khách hàng của Vuivui.com lên vị trí số một trong lĩnh vực thương mại điện tử".
Tuy nhiên trang thương mại điện tử của Thế giới Di Động đã đóng cửa khi mới đi chưa được nửa chặng đường (gần 2 năm) đề ra theo kế hoạch ban đầu.
Cuộc chiến khốc liệt?
Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin tăng trưởng chậm lại, Thế giới Di Động đang tập trung lực để phát triển Bách hoá Xanh - nguồn tạo doanh thu chính trong thời gian tới. Bên cạnh đó vẫn phải duy trì tăng trưởng cho hai chuỗi di động và điện máy, do đó có lẽ Vui Vui cần được đóng lại, ít nhất trong giai đoạn này.
Thêm nữa, việc tồn tại cả Vui Vui lẫn Bách hoá Xanh, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh rất dễ có hoạt động trùng lắp.
Đây có lẽ là lý do thuyết phục đưa ra lúc này về việc đóng của của nền tảng thương mại điện tử Vui Vui. Trước khi đóng cửa chính thức, Vui Vui đã đóng nhiều ngành hàng, chỉ tập trung bán hàng hoá tiêu dùng (FMCG). Đây là bước chuyển để Vui Vui chuyển sang Bách hoá Xanh, một nhánh kinh doanh mới được xem là động lực tăng trưởng vài năm tới của tập đoàn Thế giới Di Động.
Mục tiêu này cũng được công bố trong báo cáo 8 tháng đầu năm của Thế giới Di động với việc tăng chi phí để phát triển tối đa chuỗi Bách Hóa Xanh. Báo cáo này cũng chỉ rõ chuỗi Bách Hóa Xanh, trong tháng 8/2018 đã ghi nhận tổng doanh thu của 405 cửa hàng đạt trên 420 tỷ đồng. Mức doanh thu tính bình quân cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8 đạt trên 950 triệu đồng/cửa hàng.
Sau nhiều thử nghiệm, Bách Hoá Xanh đã chuẩn hoá mô hình “thịt tươi, cá lội” để sẵn sàng mở rộng trong thời gian tới. Các cửa hàng đang hoạt động với mô hình chuẩn (từ 160 đến 200 m2) đạt mức doanh thu trung bình trên 1,1 tỷ đồng/tháng.
Hiện nay, chuỗi này sẽ đẩy mạnh mở mới hướng đến mục tiêu 500 cửa hàng đầu năm 2019. Chuỗi này sẽ phát triển chủ yếu tại phía Đông và phía Nam TP.HCM, cùng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang .
Việc mở rộng kinh doanh tiến vào các khu vực sầm uất hơn cũng như triển khai thêm các trung tâm phân phối (bao gồm kho trữ lạnh thực phẩm) làm tăng chi phí hoạt động chuỗi này trong năm 2018.
Trong khi đó, theo báo cáo thường niên năm gần nhất của Thế giới Di động, kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chính thức bán hàng từ đầu năm 2017 phục vụ cho khách hàng khu vực TP HCM với doanh thu trong năm chỉ ở mức khiêm tốc 73 tỷ đồng. Con số này chỉ tương đương khoảng 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động trong năm 2017.
Lại nói về việc Vui Vui đóng cửa, ngoài lý do tập trung vào mũi nhọn Bách hóa xanh, thì một yếu tố đến từ bên ngoài có lẽ là do sản phẩm khởi nghiệp này sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt và không ít tên tuổi lớn đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài. Trong đó, nổi bật phải kể đến trang thương mại điện tử Lazada có sự hậu thuẫn bởi “ông trùm” thương mại điện tử Alibaba, hay Tiki có sự hỗ trợ của VNG, JD.com, hay Adayroi của Vingroup, Sendo của FPT và mới được rót 51 triệu USD từ vốn ngoại…