Thủ tướng cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán nội dung số
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số, và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ tại Bộ TT&TT tổ chức hội nghi triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Tại hội nghị này, Bộ TT&TT đề ra nhiều giải pháp để đưa lĩnh vực ICT vào mọi ngõ ngách của đời sống và làm động lực phát triển kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến vấn đề thanh toán điện tử trong thời gian tới, sẽ thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đề nghị Thủ tướng cho sử dụng thẻ cào để thanh toán các dịch vụ nội dung số nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Và xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, nhằm phát triển các dịch vụ nội dung số theo quy định của pháp luật. Thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, càng không phải là trung gian thanh toán. Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo đó, tài khoản viễn thông đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, ít nhất cho một doanh nghiệp viễn thông thí điểm phương thức này. Ngân hàng và hệ thống viễn thông cùng tham gia thanh toán điện tử nhỏ lẻ ở một số lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT trình Chính phủ cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và công ty nội dung số nạp tiền chung tài khoản viễn thông, đây là điểm quan trọng được đề cập Nghị quyết 02 đã đề cập mạnh mẽ.
Như vậy, với việc Thủ tướng đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển sau một thời gian các doanh nghiệp bị điêu đứng vì vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. Quyết định này của Thủ tướng đã tạo cơ hội cho các nhà mạng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng công nghệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường vốn được cho là rất tiềm năng. Đồng thời, sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trách nhiệm của Bộ TT&TT trong quản lý các mạng xã hội nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Nước ta là nước có chủ quyền, có hệ thống pháp lý, do đó phải yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam tuân thủ luật pháp Việt Nam,phải sử dụng đồng bộ các biện pháp pháp lý, kỹ thuật, công nghệ để quản lý thông tin trên mạng xã hội.
Thủ tướng yêu cầu phải áp dụng công nghệ cao trong quản lý báo chí, kết hợp giữa tư tưởng đạo đức với công nghệ để quản lý nội dung báo chí. Người làm công nghệ, người làm báo chí phải sáng tạo ra khát vọng Việt Nam, phải có tầm nhìn và quyết tâm cao hơn trong khát vọng phát triển của dân tộc chúng ta. Phải dùng công nghệ để quản lý mạng xã hội, lành mạnh hóa không gian mạng, người tham gia mạng xã hội phải chính danh, người đưa tin sai, tin giả thì nhà nước phải xử lý, có biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ không để kéo dài tình trạng đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Chính phủ Việt Nam rất ấn tượng với cụm từ “Sáng tạo và khát vọng Việt Nam”. Thủ tướng yêu cầu, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng mạng xã hội Việt Nam không kém mạng xã hội nước ngoài, hiện 60% người dân dùng mạng xã hội nước ngoài là điều cần thay đổi. Chúng ta cũng cần thúc đẩy phát triển các mạng xã hội của Việt Nam. Hiện nay, mạng xã hội Zalo của Việt Nam đã đạt 45 triệu người sử dụng, nếu cộng với các mạng xã hội của Việt Nam nữa thì tương đương với số người dùng Facebook tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những bất cập của mạng xã hội mà chúng ta chưa quản lý được, yêu cầu 17.000 nhà báo đồng tâm hiệp lực đóng góp cho đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ TT&TT phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi thuế cho các đơn vị báo chí, thông tin tuyên truyền Facebook không phải đóng thuế, các mạng xã hội Việt Nam như Zalo phải đóng thuế là không công bằng, bất hợp lý này cần phải sửa đổi.