Epro tổ chức thành công hội thảo ứng dụng công nghệ cao trong giáo dục
Cty TNHH PT và Phân phối các sản phẩm giáo dục EPRO - Thành viên Tập đoàn EGROUP vừa tổ chức thành công Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong giáo dục tại Bắc Ninh.
Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia diễn giả hàng đầu về giáo dục và công nghệ: Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng - Kiểm định viên độc lập – Kiểm định chất lượng Giáo dục – Bộ GD&ĐT, Tiến sĩ Phan Duy Hùng – Giám đốc chương trình thạc sỹ kỹ thuật phần mềm đại học FPT, Thạc sĩ Ngô Thị Mỹ Hạnh – Tổng Giám đốc EPRO, nguyên giảng viên ngành QTKD đại học Kinh tế Quốc dân, cố vấn chiến lược cho các tổ chức giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam với nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cùng sự tham dự của đại diện 200 tổ chức giáo dục tại Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Hội thảo đã mang đến cái nhìn toàn diện nhất về xu hướng Ứng dụng công nghệ vào giáo dục trên thế giới, đồng thời đưa ra giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức giáo dục tại Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo là tham luận về xu hướng ứng dụng công nghệ thời kỳ 4.0 như: Sản xuất thông minh, Du lịch thông minh, Kinh tế chia sẻ, Nông nghiệp thông minh, Y tế thông minh, Thành phố thông minh,… Hệ quả tất yếu là sự ra đời của các xu hướng giáo dục công nghệ tiêu biểu hiện nay trên thế giới bao gồm:
Thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (VR/AR), Khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (Internet of things), Phân tích dữ liệu lớn (BIGDATA), Trí tuệ nhân tạo (AL), Trò chơi hóa (Gamification), Khối lưu trữ và truyền tải thông tin (Blockchain), Công nghệ dạy học thông minh (STEM, STEAM, Lập trình), Học trên thiết bị di động (M-Learning).
Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh nhận định rằng: “Với nền giáo dục 4.0, sứ mệnh của chúng ta không còn là phải truyền đạt kiến thức nữa, mà là xây dựng môi trường sáng tạo giúp kiến tạo những giá trị cho học sinh. Việc học chuyên ngành, liên ngành giờ đây sẽ được thay thế bởi học biến ngành, tức là học nhiều ngành cùng lúc, để người học có thể tích hợp các kỹ năng toàn diện, làm chủ được công nghệ, hay nói cách khác đủ năng lực trở thành công dân kỷ nguyên số. Đây là điểm khác biệt rất lớn của giáo dục 4.0 so với những nền giáo dục truyền thống trước đó.”
Bà cũng nêu rõ những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực cạnh tranh của các tổ chức giáo dục khi mà “nhà trường không còn là tập hợp của các lớp học riêng lẻ mà phải là hệ sinh thái giáo dục, không giới hạn về phương pháp và kiến thức. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được thế hệ những nhà kiến tạo, những người khởi nghiệp tự tin làm chủ tương lai. Đó chính là đích đến của nền giáo dục 4.0.”
Tiếp đó là phần tọa đàm với sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng - Kiểm định viên độc lập – Kiểm định chất lượng Giáo dục – Bộ GD&ĐT; Tiến sĩ Phan Duy Hùng - Giám đốc chương trình thạc sỹ kỹ thuật phần mềm đại học FPT; Thạc sĩ Ngô Thị Mỹ Hạnh – Tổng Giám đốc EPRO, nguyên giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng trường mầm non Mặt Trời Xanh, đã mang đến những nhận định, đánh giá về thực tiễn triển khai ứng dụng công nghệ vào giáo dục và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức giáo dục tại Việt Nam, đồng thời đưa ra định hướng, giải pháp cho những khó khăn, bất cập mà các tổ chức giáo dục đang gặp phải trong quá trình tiếp cận xu hướng này.
Đó là: Các cơ quan quản lý nhà nước tạo hành lang pháp lý rộng mở, tăng cường tự chủ ngân sách và đầu tư của nhà trường cho các tổ chức giáo dục; Khuyến khích, khích lệ ghi nhận sự cố gắng của các nhà trường trong việc đầu tư các ứng dụng công nghệ; Các trường học phải táo bạo quyết tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ, tăng cường truyền thông về giá trị của công nghệ để tăng sự ủng hộ của phụ huynh và nhanh chóng tạo ra sự khác biệt; Chú trọng đầu tư về nhân lực để tiếp quản các ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; Xã hội hóa việc đầu tư, hợp tác tìm kiếm các doanh nghiệp cung ứng hàng đầu để có đối tác đồng hành về mặt công nghệ. Bởi vì công nghệ không phải là sản phẩm mua một lần mà dùng cả đời, mà luôn thay đổi liên tục, vì vậy các tổ chức giáo dục cần tìm các đối tác có uy tín năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về Việt Nam.
Đặc biệt, ngay trong buổi Hội thảo, toàn bộ khách mời cũng như các đại biểu đã tham gia trải nghiệm những sản phẩm, chương trình giáo dục công nghệ cao đến từ Công ty EPRO. Cụ thể là chương trình Touch English! – Tiếng Anh công nghệ dành cho trẻ mầm non và E-Robot Coding – Học lập trình – tư duy sáng tạo cho trẻ mầm non và tiểu học. Các chương trình này đều nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia hàng đầu, tổ chức giáo dục tham dự bởi nó đánh đúng vào nhu cầu đầu tư giáo dục hiện nay cho lứa tuổi mầm non và tiểu học, sự hưởng ứng rất nhiệt tình của phụ huynh và ham thích vô cùng của học sinh khi được tiếp xúc với những công nghệ mới lạ, sinh động trong học tập.
Với nội dung học tập xây dựng theo chủ đề - chủ điểm mang đậm bản sắc văn hóa Việt tích hợp công nghệ: màn hình trải nghiệm, kinderbox, ứng dụng học tập trực tuyến 24/7,…, Touch English! giúp tối đa hóa cơ hội cho trẻ tiếp xúc Tiếng Anh, tăng tính thực hành – trải nghiệm bằng đa giác quan và phương pháp CLIL.
Trong khi đó, E-Robot Coding kết hợp kiến thức lập trình với nhiều bộ môn khác như: Tiếng Anh, Toán học, Địa lý, Nghệ thuật,… với công cụ học tập thông minh là chú robot Albert đến từ Tập đoàn SK Telecom – Hàn Quốc giúp kích thích và duy trì hứng thú học tập, phát triển tư duy sáng tạo, logic, kỹ năng giải quyết vấn đề cho công dân thế kỷ 21.
Có thể nói, đây là hai trong số những đại diện tiên phong cho xu hướng giáo dục công nghệ tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ giúp các tổ chức giáo dục Việt Nam chuyển mình vươn lên dẫn đầu trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.
Buổi Hội thảo kết thúc thành công và để lại ấn tượng đối với các quan khách cũng như đại diện từ địa phương. Rất nhiều phản hồi tích cực cũng như bày tỏ mong muốn Công ty EPRO sẽ tổ chức thêm nhiều Hội thảo hữu ích như vậy, đóng góp cho lĩnh vực giáo dục.