Techfest 2018 đã thành công ngoài mong đợi
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết tại buổi họp báo quý IV/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), diễn ra tại Hà Nội.
Trong quý 4/2018, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (TECHFEST Vietnam 2018) được xem là thành công ngoài mong đợi.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, sự kiện trên đã thành công ngoài sức mong đợi, thu hút gần 5.500 lượt khách tham dự, 250 doanh nghiệp khởi nghiệp, 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới.
Đã có 160 cuộc kết nối đầu tư diễn ra tại sự kiện với số vốn đầu tư lên đến 7,68 triệu USD, tỷ lệ các nhà đầu tư quốc tế chiếm 40% tổng số nhà đầu tư tham dự TECHFEST lần này.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ KH&CN đã rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ tại các nghị định.
Theo đó, nội dung cụ thể được quy định tại Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ KH&CN đã cắt giảm trên 56% điều kiện đầu tư, kinh doanh; phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thực hiện việc kết nối thành công Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đồng chí Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN, cho biết: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được đưa vào hoạt động với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên số vốn điều lệ không phải được Nhà nước cấp một lần mà cấp theo đề xuất và nhu cầu thực tế. Đồng chí Lê Xuân Định cũng cho biết, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là mô hình hoạt động hoàn toàn mới bởi đối tượng của Quỹ chính là doanh nghiệp.
Đặc biệt, hình thức và nhiệm vụ của Quỹ cấp cho các doanh nghiệp là hình thức tài trợ có đối ứng nghĩa là Nhà nước chỉ cung cấp một phần kinh phí , còn phần kinh phí chính để thực hiện dự án chính là từ phía doanh nghiệp.
Vì vậy, đây là một trong những mô hình huy động được nguồn lực xã hội cho đổi mới công nghệ, tuy nhiên do nguồn kinh phí của Nhà nước không đầu tư dàn trải nên chỉ đầu tư cho "nội hàm" phát triển và ứng dụng công nghệ chứ không tập trung vào đổi mới công nghệ. Đây là sự khác biệt với các chương trình, nhiệm vụ quốc gia khác.
Có thể bạn quan tâm
Thứ trưởng Khoa học Công nghệ: 'Khởi nghiệp Việt Nam ngày càng bám sát xu hướng quốc tế'
04:15, 07/11/2018
Nhà Khoa học - Động lực của ASEAN 4.0 - Việt Nam 4.0
05:27, 15/09/2018
Hơn 80 bạn trẻ Hải Phòng tham gia khóa học "Khởi sự kinh doanh"
11:28, 08/09/2018
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý thuế
11:22, 31/08/2018
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong chương trình hành động của Bộ KH&CN năm 2019, có 5 lĩnh vực Bộ sẽ tập trung thực hiện với tinh thần KHCN là giải pháp quan trọng thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế. Thứ nhất, đó là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Thứ hai, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lỗi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là cách đưa nhanh nhất kết quả của nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ vào cuộc sống. Thứ tư, rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thứ năm, quyết liệt đổi mới mô hỉnh tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.