Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Huawei đứng đầu sóng

Nguyễn Long 31/01/2019 02:11

Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – đang đứng đầu làn sóng trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, với nhiều cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Huawei kẻ đứng đầu sóng

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Huawei kẻ đứng đầu sóng

Huawei trước đây từng bị Mỹ tố cáo vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên một số quốc gia. Cụ thể, tháng 6/2016, Bộ Thương mại Mỹ gửi trát đến trụ sở tại Mỹ của Huawei, yêu cầu tập đoàn này cung cấp tất cả thông tin liên quan tới việc xuất khẩu hoặc tái xuất các sản phẩm có chứa sản phẩm trí tuệ công nghệ Mỹ đến các nước Cuba, Iran, Triều Tiên, Sudan và Syria trong vòng 5 năm trước năm 2016.

Tuy nhiên, đỉnh điểm căng thẳng là ngày 28/1/2019, khi Bộ Tư pháp Mỹ ngày chính thức truy tố tập đoàn Huawei cùng Phó chủ tịch Mạnh Vãn Chu với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Iran và đánh cắp công nghệ của công ty Mỹ.

Trong một cáo trạng khác gửi lên tòa án liên bang tại bang Washington, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 2 công ty con của Huawei 10 tội đánh cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại thông minh “Tappy” của hãng viễn thông T-Mobile của Mỹ. Huawei còn bị cho là cản trở công lý khi bị T-Mobile dọa kiện. Huawei chưa bình luận gì sau khi bị truy tố.

Bản cáo trạng này rõ ràng cho thấy, Mỹ đang muốn gửi một thông điệp đến các lãnh đạo trên thế giới rằng, hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, bản cáo trạng này xuất hiện ngay sau khoảng thời gian ngắn CFO Mạnh Vãn Chu bị bắt từ 1/12/2018, từ đó đến nay Huawei liên tiếp dính vào khủng hoảng, và phải vất vả để lấy danh tiếng đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc liên quan hoạt động gián điệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc đua 5G bớt Huawei liệu có rộng đường cho Samsung?

    06:10, 14/12/2018

  • Quan hệ Mỹ - Trung giữa căng thẳng Huawei: “Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”

    05:30, 12/12/2018

  • Tại sao là Huawei - vì sao là lúc này?

    11:24, 10/12/2018

Có thể thấy, tấn công vào Huawei là một đòn đánh thẳng vào Trung Quốc, nhằm gia tăng sức ép của Mỹ lên quốc gia này. Bởi Huawei không chỉ là một công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nó còn được xem như biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.

Và lần này, phía Mỹ tập trung vào bằng chứng đánh cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại thông minh “Tappy” của T-Mobile. Với những bằng chứng đưa ra đã cho thấy có sự tác động từ Huawei đối với các đồng nghiệp tại Mỹ nhằm hối thúc tìm hiểu về Tappy, thậm chí có kỹ sư đã từng đánh cắp 1 bộ phận của Tappy sau đó bị phát hiện và phải trả lại vào ngày hôm sau.

Sự việc này cộng thêm lệnh cấm đối với các sản phẩm viễn thông của Huawei liên quan đến mạng 5G trong thời gian qua của các nước đồng minh Mỹ đã càng làm cho các nước khác cũng phải dè chừng đối với Huawei.

Và đây cũng chính là mục đích mà Mỹ hướng đến nhằm tạo thị trường cho các nhà mạng viễn thông Mỹ cung cấp thiết bị 5G và làm suy yếu đi đà phát triển 5G của Trung Quốc. 

Theo giới quan sát, các hãng khổng lồ như Intel và Qualcomm đang hợp tác phát triển công nghệ 5G. Trong đó, yếu tố chi phí nghiên cứu, phát triển và sự phân bổ tần số vô tuyến cho các nhà mạng đã giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc đua 4G trước đây, thì nay Mỹ lại thiếu lộ trình trong phân bổ tần số so với Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu trong việc ứng dụng 5G, Hàn Quốc xếp thứ hai và tiếp sau là Mỹ và Nhật Bản.

Chính vì thế mà Washington đã có những đối sách để chống lại nguy cơ mạng 5G của Bắc Kinh vượt mặt Mỹ. Được biết, ngay từ hồi đầu năm 2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn cản thương vụ Broadcom mua Qualcomm sau khi quan chức Mỹ cảnh báo giao dịch có thể mang lợi thế lớn về 5G cho Trung Quốc.

Trước những cáo buộc này, về phía Trung Quốc cũng đã có những động thái phản ứng mạnh mẽ. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ chấm dứt việc đàn áp vô lý các công ty của Trung Quốc, trong đó có Huawei, và dỡ bỏ lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh.

"Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc", Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Nguyễn Long