Xã hội 5.0: Thách thức cho Việt Nam

Đỗ Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích chính sách Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc 02/03/2019 10:35

“Xã hội 5.0” – Society 5.0 - là một xã hội được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một xã hội siêu thông minh trong tương lai.

Ý tưởng xã hội 5.0 lần đầu tiên được Nhật Bản nhắc đến vào năm 2016, Kế hoạch Công nghệ và Khoa học cơ bản thứ 5 (5th Science and Technology Basic Plan), hay là Cách mạng công nghiệp (CMCN) 5.0, nhằm hướng tới một xã hội siêu thông minh trong tương lai.

p/Người dùng Việt Nam chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của Internet mà mới chỉ sử dụng ở mức phục vụ giải trí.

Người dùng Việt Nam chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của Internet mà mới chỉ sử dụng ở mức phục vụ giải trí.

Xã hội 5.0 có thể hiểu được xây dựng trên 5 nội hàm cơ bản.

Thứ nhất, đây là xã hội siêu thông minh, là hình mẫu của một xã hội tối ưu hóa sự tham gia của robot, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều hoạt động, giảm thiểu tối đa sự tham gia của con người.

Thứ hai, đây là một xã hội văn minh, hiện đại, giải phóng sức lao động của con người với một cuộc sống đầy đủ và viên mãn, phục vụ tốt nhất cho con người.

Thứ ba, vạn vật đều được kết nối internet (Internet of things).

Thứ tư, xã hội 5.0 sẽ tác động sâu sắc tới mọi mặt của cuộc sống, thậm chí thay đổi cả các ngành công nghiệp truyền thống, AI và robot sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực và giúp làm ra nhiều của cải vật chất hơn.

Thứ năm, xã hội 5.0 có khả năng sẽ làm sâu sắc hơn sự phân tầng xã hội giàu – nghèo. Bởi sẽ có những người không theo kịp sự phát triển của xã hội công nghệ dẫn đến trở thành “thế hệ bị bỏ rơi”.
Nếu Việt Nam muốn hướng tới một xã hội 5.0 thì sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, nền tảng phát triển khoa học công nghệ hiện nay của Việt Nam hiện còn đang lãng phí rất lớn, nhiều dự án khoa học ứng dụng vẫn còn nằm trên giấy. Điều này khiến cho việc nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở khía cạnh sáng tạo.

Nguyên nhân của việc này một phần là do Việt Nam còn thiếu yếu tố nền tảng như chính sách cho sự phát triển của khoa học. Có rất nhiều chính sách chưa thực sự khuyến khích cho việc vượt qua khỏi “biên giới ảo” về phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta còn thiếu quy định về Regulatory sandbox – khung điều chỉnh thử nghiệm – khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển.

Thứ hai, con người chưa thực sự có tính chủ động trong học hỏi. Xã hội 5.0 là một xã hội kết nối vạn vật với internet, tuy nhiên, việc sử dụng internet ra sao mới là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo thống kê mới đây về Digital 2019 Việt Nam của DataReportal đã cho thấy, Việt Nam có đến 64 triệu người dùng Internet, nhưng top 10 tìm kiếm trên mạng trong năm 2018 của chúng ta là “phim”, “XSMB” – xổ số miền Bắc và Facebook. Điều đó cho thấy rằng, người dùng chưa thực sự sử dụng hết tiềm năng của Internet mà mới chỉ sử dụng ở mức phục vụ giải trí.

Thứ ba, có sự phân hóa về trình độ của giới trẻ giữa thành thị và nông thôn. Nếu nói về sự tiếp cận của giới trẻ với công nghệ có thể thấy hầu hết các bạn trẻ đều đang sử dụng smartphone. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết giá trị mà chiếc smartphone mang lại cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn. Ví dụ như nhiều ứng dụng smartphone khi tải xuống yêu cầu quyền truy cập thiết bị của người dùng, trong đó nhiều ứng dụng độc hại có thể chạy ngầm và chiếm quyền kiểm soát thiết bị và cài mã độc, như mã độc đào tiền ảo.

Tri thức cơ bản bảo vệ chính mình vẫn còn thiếu do một phần nền tảng giáo dục cơ bản có khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Việc hướng tới một xã hội siêu thông minh 5.0 thì công dân của xã hội đó cũng phải thông minh, cũng phải biết đến IoT, AI là cái gì, nó làm được cái gì, vì xét cho cùng AI cũng chỉ làm được một phần việc của con người.

Kỳ tiếp: Việt Nam cần làm gì?

Đỗ Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích chính sách Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc