"Thử thách Momo" chỉ là tin tức giả
Theo BBC, The Guardian của Anh, những tin tức liên quan đến thử thách Momo – hướng dẫn trẻ tự sát xuất hiện trên Youtube - hoàn toàn là tin tức giả.
Chỉ là tin giả
Trong tuần qua, rất nhiều thông tin liên quan đến “Thử thách Momo” – đoạn clip hướng dẫn trẻ em tự làm tổn thương mình – đang được chiếu trên kên YouTube Kids. Thông tin này ngay lập tức khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Tuy nhiên, thông tin mới đây được BBC và The Guardian đưa ra lại cho thấy một kết quả rất bất ngờ, tin tức về “Thử thách Momo” hoàn toàn là tin tức giả.
Hình tượng Momo xuất hiện được lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, tác phẩm tên là “Chim Mẹ” trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo vào năm 2016.
Trước đó, trả lời về vấn đề này, thông báo của YouTube cho biết không có bằng chứng nào cho thấy thử thách này được lan truyền cụ thể trên YouTube Kids. Trong một tuyên bố gửi tới Forbes.com, YouTube cho biết: “trái ngược với báo cáo, chúng tôi không nhận được bất kỳ bằng chứng nào gần đây về các video hiển thị hoặc quảng cáo cho thử thách Momo trên YouTube. Nội dung của loại này sẽ vi phạm chính sách của chúng tôi và bị xóa ngay lập tức”.
Cảnh sát ở Anh cho biết họ đã không báo cáo bất kỳ một trường hợp nào liên quan đến việc trẻ em tự làm hại mình do hình ảnh thực thể Momo.
Samaritans - tổ chức từ thiện hỗ trợ tinh thần cho những ai tổn thương về tinh thần, có nguy cơ tự tử trên khắp Vương quốc Anh và Ireland cũng lên tiếng rằng họ "không biết về bất kỳ bằng chứng xác minh nào (về những trường hợp tự hại do Momo gây ra) ở đất nước này hoặc xa hơn".
NSPCC (Hiệp hội quốc gia phòng chống hành vi tàn ác đối với trẻ em) cũng nói với Guardian rằng họ đã nhận được nhiều cuộc gọi hỏi về sự việc từ cánh báo chí hơn là từ các phụ huynh có liên quan.
Bài học cho phụ huynh
Tuy “Thử thách Momo” chỉ là tin giả, nhưng đây cũng là bài học cho các bậc làm cha mẹ. Việc cho con tiếp cận sớm với công nghệ không phải là tốt, đặc biệt khi trẻ em sử dụng thiết bị có kết nối internet mà không có giám sát của người lớn.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan khi sử dụng các bộ lọc tìm kiếm hoặc tính năng khóa đối với trẻ em trên các thiết bị hoặc kênh video như YouTube. Tuy nhiên, không ai dám chắc được hoàn toàn 100% các nội dung trên các kênh đó liệu có đảm bảo và phù hợp với trẻ nhỏ.
Mạng xã hội mặc dù đưa ra khuyến cáo cho trẻ tuổi thành niên mới được phép sử dụng tuy nhiên, lớp xác thực tuổi tác lại rất dễ bị qua mặt. Trong khi đó, nội dung trên mạng xã hội rất phức tạp, các em nhỏ chưa đủ tuổi để hiểu biết và dẫn đến nhận thức sai lệch. Bản thân người trưởng thành khi sử dụng mạng xã hội thậm chí vẫn còn bị lừa huống chi là các em nhỏ!
Chính bởi vậy, hơn hết các bậc làm cha làm mẹ không nên cho con mình tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ như smartphone, tablet, nếu có sử dụng cũng phải trong sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ của người lớn. Đến tỉ phú công nghệ Bill Gates cũng hạn chế các con của mình tiếp xúc các thiết bị công nghệ trước 14 tuổi: "Chúng tôi thường giới hạn thời gian dùng điện thoại vào ban đêm để giúp các con đi ngủ vào giờ hợp lý. Bạn có thể nhìn vào những lợi ích của điện thoại như làm bài tập về nhà, giữ liên lạc với bạn bè, nhưng nó cũng có thể bị lạm dụng", ông nói.