Trung tâm mua sắm đua... trải nghiệm
Thay đổi về thói quen tiêu dùng của khách hàng và sự thất bại của hàng loạt trung tâm thương mại, dẫn đến một sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh của các công ty phát triển trung tâm thương mại.
Vincom Retail, công ty phát triển và vận hành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam hiện tại, mới đây cho biết đang lên kế hoạch phát triển mô hình trung tâm thương mại mới. Ở đó, có sự kết hợp giữa mua sắm và những tiện ích giải trí và các dịch vụ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.
Áp lực thay đổi
Hiện tại, Vincom Retail đang vận hành 66 trung tâm thương mại trên khắp cả nước, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ gần 1,5 triệu m2. Trong năm 2019, Vincom Retail sẽ mở thêm 13 trung tâm nữa, nâng tổng số mặt bằng lên 1,6 triệu m2.
Hầu hết các trung tâm thương mại của Vincom Retail hiện nay đang vận hành theo mô hình truyền thống, có nghĩa là nặng về trưng bày sản phẩm và là nơi khách hàng đến mua sắm. Nhưng sự nổi lên của thương mại điện tử đang dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Khách hàng giờ đây không cần phải tới các cửa hàng, trung tâm thương mại mới mua sắm được mà có thể ngồi ở bất cứ đâu và mua bất cứ đồ gì chỉ với chiếc điện thoại của mình. Vì vậy, các công ty vận hành trung tâm thương mại như Vincom Retail đang chịu áp lực lớn phải thay đổi mô hình kinh doanh là điều khó tránh khỏi.
Bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc dịch vụ bán lẻ của CBRE châu Á nhận định: “Các trung tâm thương mại khắp châu Á ngày càng thu hút nhiều thương hiệu giải trí, dịch vụ ăn uống và trải nghiệm thực tế hơn, thay vì mua sắm đơn thuần. Các cửa hàng trải nghiệm phải làm cho khách hàng ngạc nhiên, phải tạo sự khác biệt”.
Tại Việt Nam, xu hướng này thực tế đã nhen nhóm từ vài năm trở lại đây. Aeon, tập đoàn bán lẻ và phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Nhật Bản, ngay từ khi bắt đầu vào Việt Nam hơn 5 năm trước đã chủ trương biến các Aeon Mall tại TP HCM và Hà Nội thành những điểm giải trí, vui chơi, ăn uống chứ không đơn thuần chỉ là điểm mua sắm.
Tiến ra vùng ven đô
Có một khó khăn với các trung tâm thương mại là muốn có cả không gian bán hàng kèm theo cả các dịch vụ giải trí, vui chơi và trải nghiệm mới cho khách hàng thì cần phải có diện tích lớn. Tiêu chí này sẽ là khó khăn nếu như phát triển các trung tâm thương mại theo mô hình như vậy ở khu vực trung tâm, nơi vốn đã rất chật hẹp và khan hiếm địa điểm.
Vì vậy, đưa các trung tâm thương mại theo mô hình mới về các vùng ven trung tâm cũng là một xu hướng mới được nhiều công ty bán lẻ chú ý tới.
Tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của các trung tâm thương mại. Một đại diện của Aeon Mall cho biết, công ty Nhật Bản này luôn chọn địa điểm ven đô để phát triển các trung tâm thương mại do có thể có được diện tích rộng, hơn nữa khi người dân ngày càng sở hữu nhiều ô tô, khoảng cách đi xa một chút lại không quan trọng nữa. Đến lúc đó, trung tâm thương mại nào có diện tích đỗ xe lớn, trung tâm thương mại đó sẽ có lợi thế.
Bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing của Vincom Retail cho biết, mô hình trung tâm thương mại mới sẽ được triển khai tại các dự án trung tâm thương mại Vincom Mega Mall có quy mô lớn, khoảng 150.000 m2/dự án. Các trung tâm đầu tiên theo mô hình này đặt trong khu đô thị Vincity tại Hà Nội và TP HCM, dự kiến sẽ bắt đầu chào thuê trong năm nay và khai trương vào năm 2020-2021.