Chấm điểm công dân nên hay không?
Việc chấm điểm công dân của Trung Quốc đang gây nhiều tranh cãi. Việc theo dõi để chấm điểm liệu có thực sự tăng ý thức cho người dân?
Hiện nay ở Trung Quốc đang triển khai hệ thống chấm điểm công dân được gọi là hệ thống tính điểm tín dụng xã hội (SCS) đang được thử nghiệm tại hàng chục thành phố với mục đích tạo một mạng lưới trên toàn quốc gia. Những ý kiến phê bình cho rằng đây là một cách thức nặng nề để kiểm soát công dân. Những người ủng hộ thì nói việc này sẽ tạo ra một xã hội có văn minh và người dân sẽ tuân thủ pháp luật hơn.
Theo Associated Press, năm ngoái Trung Quốc đã cấm người dân mua vé máy bay hoặc vé tàu tổng cộng 23 triệu lần. Nguyên nhân là vì những người này có điểm tín dụng xã hội quá thấp.
Chương trình chấm điểm tín nhiệm xã hội được công bố lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 2014. Đây là hệ thống đánh giá khổng lồ theo dõi và xếp hạng công dân nước này dựa trên những tiêu chí nhất định. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó đã được thí điểm với hàng triệu người. Chính phủ của đất nước tỷ dân đã đưa ra cảnh báo: "Những người vi phạm pháp luật và có điểm tín nhiệm thấp sẽ phải trả giá đắt".
Theo bà Đỗ Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích chính sách Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – đánh giá việc theo dõi công dân để chấm điểm là việc quản lý theo dạng trừng phạt. “Nguy hiểm ở chỗ hệ thống pháp luật không phải được xây dựng dựa trên sự nhất trí chung của toàn xã hội mà là do ý chí chủ quan của một nhóm người nhỏ. Vô hình chung tạo ra những căng thẳng”.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đình Nam – CEOVP9 Join Stock Company - lại không đồng tình với quan điểm trên: “Tôi là một người ủng hộ việc này” – ông Nam cho biết.
Theo CEO VP9, người Việt Nam biết không chuẩn lắm về hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc, là người nghiên cứu trong ngành ông Nam cho rằng đó là phong cách quản lý xã hội, đánh đổi giữa tự do cá nhân và vấn đề khả năng điều hành xã hội, hi sinh lợi ích cá nhân cho giá trị cộng đồng.
“Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam hiện nay không kiểm soát các hành vi cá nhân như vứt rác bừa bãi, đi xe ẩu, say rượu đi ngoài đường… nhiều hành vi diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Đây là các hành vi không cấu thành được vi phạm hình sự nhưng nó cần có điểm tín nhiệm để có thể lượng hóa và có phương án xử lý. Cần một mức trung gian để răn đe và việc chấm điểm công dân sẽ giúp cho xã hội có một công cụ nhất định để định hướng người dân về các hành vi tốt.
Giới phương Tây sợ hệ thống như thế vì lo lắng sự lạm dụng của chính quyền phục vụ mục đích riêng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu xây dựng tốt sẽ giúp cho các xã hội ít phát triển như Việt Nam để có thể điều chỉnh hành vi con người tốt hơn” – ông Nam nói.
Chấm điểm công dân xét trong bối cảnh nó là cách làm hiệu quả, mặc dù là việc làm mang tính “cưỡng bức” nhưng lại giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Nhưng xét cho cùng, để có thể bền vững hơn, tinh thần tự giác phải xuất phát từ chính bản thân cá nhân, đó chính là tinh thần tự tôn dân tộc. Hãy nhìn vào Nhật Bản, trong đợt sóng thần khủng khiếp như vậy, hình ảnh người dân vẫn ý thức xếp hàng chờ hàng viện trợ, ai cũng như ai bình đẳng, già trẻ, đến các em nhỏ cũng xếp hàng chứ không chịu đứng trước ưu tiên, ai đến trước lấy trước, nếu hết sẽ chờ ngày hôm sau. Tuyệt nhiên không có một vụ việc cướp bóc, tăng giá nào diễn ra, thậm chí các chủ cửa hàng còn mở cửa phân phát miễn phí.
Khi có lòng tự tôn, tự hào dân tộc ắt bản thân con người trong mỗi xã hội sẽ sống vì lợi ích chung của cộng đồng thay vì lợi ích cá nhân.