Tính chuyện tắt sóng 2G hoặc 3G
Đã đến lúc phải tính chuyện tắt sóng 2G hoặc 3G, bởi số lượng thuê bao giảm mạnh, trong khi các công nghệ mới là 4G và tới đây là 5G đang thiếu băng thông.
Thuê bao 2G và 3G giảm nhanh
Theo dự đoán của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% năm 2017, xuống còn 6% vào năm 2025. Số lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường thế giới cũng giảm rất nhanh, dự kiến chỉ còn chiếm 15,1% vào năm 2023.
Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2014, cả nước có 107 triệu thuê bao 2G, nhưng đến giữa năm 2018, chỉ còn 72 triệu thuê bao. Tương tự, lượng thuê bao 3G cũng giảm rất nhanh.
Điểm chung của 2 công nghệ cũ này là lượng thuê bao sụt giảm nhanh chóng. Đặc biệt, thuê bao 3G sử dụng công nghệ “lai” (nửa thoại, nửa dữ liệu), nên đã sụt giảm rất nhanh khi xuất hiện 4G. Còn 2G chỉ dành cho thoại và tin nhắn, nên vẫn còn lượng người dùng nhất định.
Trong khi đó, mạng 4G đang rất thiếu băng thông. Trong báo cáo mới đây của Cục Viễn thông, băng tần dành cho 4G ở Việt Nam khá thấp. Theo khảo sát với 50 nhà mạng ở 17 nước, thì Việt Nam đứng cuối bảng về băng tần dành cho 4G.
Tắt sóng công nghệ cũ để giải phóng tần số dùng tiếp cho công nghệ mới là điều bắt buộc phải làm.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, với số thuê bao 4G của Viettel hiện nay, nhà mạng này không còn đủ băng tần cho phát triển các thuê bao 4G. Hiện Viettel là nhà mạng có số thuê bao 4G lớn nhất và đang sử dụng những băng tần đã được cấp trước đó cho 2G và 3G để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng.
“Tuy nhiên, việc tắt 2G hay 3G là do thị trường, do chính người dùng quyết định. Theo quan điểm cá nhân tôi, cơ quan quản lý nhà nước nên đấu thầu băng thông cho nhà mạng và nhà mạng sẽ quyết định sử dụng băng thông đó cho 2G hay 4G, 5G, tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng”, ông Thắng nêu quan điểm.
Cần lộ trình tắt sóng 2G hoặc 3G
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ đặt ra trong năm nay là xây dựng lộ trình tắt sóng mạng 2G, hoặc 3G gắn với lộ trình loại bỏ công nghệ cũ (2G, 3G), đồng thời quy hoạch tài nguyên tần số phục vụ phát triển các công nghệ mới.
Theo đề xuất của ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin TP.HCM, TP.HCM là địa phương đầu tiên thử nghiệm 5G ngay đầu năm 2019. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ cấp phép 5G, TP.HCM đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông việc sớm nghiên cứu lộ trình tắt sóng 2G.
Các chuyên gia cũng cho rằng, lượng thuê bao 2G, 3G đang suy giảm mạnh, trong khi nhà mạng vẫn phải vận hành, gây tốn kém chi phí. Thêm nữa, lượng thuê bao 2G, 3G sụt giảm mạnh, mà vẫn phải dành cả tần số cho công nghệ này, nên cũng rất lãng phí.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục sẽ nghiên cứu lộ trình trong năm nay để xác định thời điểm thích hợp cho việc tắt sóng 2G, thậm chí là 3G.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, các nước trên thế giới đều công bố lộ trình tắt sóng di động công nghệ cũ hơn từ rất sớm. Tắt sóng công nghệ cũ để giải phóng tần số dùng tiếp cho công nghệ mới là điều bắt buộc phải làm. Thời gian tới, Cục Tần số vô tuyến điện phải xem xét tuyên bố thời điểm tắt 2G hay 3G. Bộ trưởng cũng yêu cầu dành băng tần 700 MHz để nâng cao chất lượng phủ sóng di động trong nhà, bởi người Việt Nam dùng di động trong nhà là phần lớn.
Như vậy, đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước cần tính chuyện xây dựng lộ trình tắt sóng 2G hoặc 3G, để khuyến cáo khách hàng có nhận thức và chuẩn bị cho việc này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và các hãng công nghệ cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết bị điện thoại thông minh cũng như các chính sách ưu đãi về giá thiết bị cho người dùng khi chuyển đổi từ sóng 2G - 3G sang 4G - 5G.