Làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo: Lo ngại sẽ trở thành phong trào nhất thời?
Nhiều ý kiến cho rằng khả năng đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống còn hạn chế, đang có lo ngại đầu tư vào lĩnh vực này sẽ trở thành phong trào nhất thời mà không mang lại nhiều hiệu quả.
Tại hội thảo phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon ở Việt Nam ngày 12/3, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ông Hưng dẫn chứng số liệu cho thấy, cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA).
Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày là cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch.
Số lượng nhà máy điện gió được vận hành mới dừng ở 8 nhà máy, công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, khoảng 212 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 2,1% toàn hệ thống.
Cùng với đó, cả nước đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW.
Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng lượng tái tạo cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.
Thứ trưởng Hưng cũng chỉ ra, nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5% đến 7,5%/năm. Như vậy, theo ông, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
Nhưng việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức. Nhiều ý kiến cho rằng khả năng đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống còn hạn chế, đang có lo ngại đầu tư vào lĩnh vực này sẽ trở thành phong trào nhất thời mà không mang lại nhiều hiệu quả.
Một số khó khăn thách thức đã được các nhà nghiên cứu đưa ra như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất. Cùng với đó, yêu cầu sử dụng đất lớn, nhất là các dự án điện mặt trời cũng là một điểm bất cập khác. Các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên...
"Trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này" – Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
TS Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam cho rằng, để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực này, Chính phủ nên đưa ra hướng dẫn mới rõ ràng về cả hai khía cạnh công nghệ (mã lưới được cập nhật bao gồm cả yêu cầu lưu trữ năng lượng) và các khía cạnh tài chính với việc xuất bản một Nguồn cấp dữ liệu mới và các PPA được cập nhật. Đặc biệt, có cơ chế mua điện trực tiếp, giữa người mua và EVN để có thể đạt được giải pháp win -win khi đầu tư vào năng lượng sạch”.
Theo các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam cần tới 12 tỷ USD để duy trì phát triển năng lượng sạch, vì vậy, bên cạnh việc đưa ra khuôn khổ về tính thanh khoản thì hàng loạt cơ chế khác cũng phải rõ ràng và hợp lý. Cụ thể như, hạn ngạch (định mức chỉ tiêu), cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, cơ chế cấp chứng chỉ cần rõ ràng, hợp lý… đảm bảo chia sẻ rủi ro, hỗ trợ người dân sử dụng lẫn nhà sản xuất điện tái tạo trong thời gian dài hạn.